Triều Tiên đã dùng cách gì để né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ?

Chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang tạo ra tiền điện tử của riêng họ và cũng có khả năng sử dụng các loại tiền điện tử phổ biến như bitcoin.
Triều Tiên đã dùng cách gì để né tránh lệnh trừng phạt của Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: uschnews.com)

Theo trang mạng ccn.com, hai chuyên gia tài chính ở Washington cho biết Triều Tiên đang gia tăng sử dụng tiền điện tử để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Lourdes Miranda, nhà điều tra tội phạm tài chính chuyên về thu thập và phân tích tình báo, và Ross Delston - chuyên gia trong lĩnh vực chống rửa tiền và tài trợ chủ nghĩa khủng bố - cho biết Bình Nhưỡng đang tạo ra tiền điện tử của riêng họ và cũng có khả năng sử dụng các loại tiền điện tử phổ biến như bitcoin.

Họ nêu rõ: "Tiền điện tử mang lại thêm lợi thế cho Triều Tiên, giúp họ có nhiều biện pháp hơn để vượt qua lệnh trừng phạt của Mỹ.

[Ông Kim Jong-un có thể thăm Nga trước cuối năm nay]

Theo Priscilla Moriuchi, cựu quan chức an ninh mạng của NSA, Triều Tiên đang kiếm được khoảng 15 triệu USD đến 200 triệu USD bằng cách khai thác và bán tiền điện tử.

Trao đổi với The Hill hồi đầu năm, Moriuchi cho biết: "Triều Tiên cũng đã theo đuổi những con đường khác để kiếm tiền điện tử, bao gồm cả khai thác đồng bitcoin và Monero, tiền chuộc được trả bằng đồng bitcoin từ cuộc tấn công mạng WannaCry toàn cầu hồi tháng Năm vừa qua và thậm chí mở một lớp về tiền điện tử cho sinh viên Triều Tiên trong tháng 11 tới."

Miranda và Delston cho biết hiện nay, Triều Tiên có thể sử dụng các đồng tiền điện tử phổ biến nhất như bitcoin, hoặc chính phủ nước này có thể tự tạo ra đồng tiền điện tử riêng của họ. "Việc có đồng tiền điện tử riêng cũng sẽ tạo điều kiện cho khả năng mở tài khoản trực tuyến dưới vỏ bọc của một quốc gia không đối đầu sử dụng giao tiếp ẩn danh để che dấu vị trí và hoạt động của người dùng trên Internet."

Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng Triều Tiên sẽ tạo ra đồng ngoại tệ bị đóng băng của riêng họ để thay đổi hồ sơ công khai về các hoạt động giao dịch của họ nhằm chứng tỏ rằng các giao dịch này đến từ các nguồn hợp pháp. Xa hơn nữa, nước này sẽ tạo ra cả dịch vụ ví tiền điện tử của họ.

Giải thích về việc chuyển các hoạt động giao dịch bằng tiền điện tử thành công sang đồng tiền được cho phép - tất cả đều không bị phát hiện - hai chuyên gia tài chính trên nói rằng các đồng tiền điện tử được Triều Tiên khai thác sẽ được đưa vào các sàn giao dịch ở châu Âu để che giấu nguồn gốc của nó, cho phép quốc gia giả mạo thu được đồng USD "do không phải chịu các biện pháp trừng phạt."

Các nhà điều tra không chắc chắn về quy mô hiện nay của hoạt động giao dịch bằng tiền điện tử của Triều Tiên.

Theo thông tin mà CCN có được, các đối thủ của Mỹ bao gồm Iran, Triều Tiên, Nga và Venezuela gần đây đã chuyển sang sử dụng tiền điện tử để chống lại sức ép kinh tế từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Ví dụ, đồng petro - đồng tiền điện tử được đảm bảo bằng dầu mỏ do chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát hành - đã bị cấm ở Mỹ.

Đầu tháng 5/2018 Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh cấm các công dân Mỹ mua bán, giao dịch hoặc trao đổi bằng đồng điện tử petro "để đáp lại động thái mới đây của chính quyền Maduro nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách phát hành một loại tiền kỹ thuật số."

Ngoài ra, Iran gần đây đã tiết lộ các chi tiết về đồng tiền điện tử quốc gia của họ để đối phó với các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Đồng tiền điện tử tương lai của Iran được cho là được đảm bảo bằng đồng Rial hợp pháp và được phát triển trên nền tảng công nghệ Hyperledger Fabric mã nguồn mở do Linux Foundation quản lý, nguồn tin trên cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục