Triều Tiên đình chỉ mọi quan hệ với Hàn Quốc

Hãng KCNA đưa tin, Bình Nhưỡng đã quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc, trong đó có cả các đường truyền thông-thông tin.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tối 25/5 đưa tin Bình Nhưỡng đã quyết định cắt đứt mọi quan hệ với Hàn Quốc, trong đó có cả các đường truyền thông-thông tin.

Phía Triều Tiên cũng cho biết sẽ trục xuất tất cả các nhân viên Hàn Quốc hiện đang làm việc tại khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cấm tàu thuyền và máy bay của Hàn Quốc đi qua hải phận và không phận nước này.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đã dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan của nước này trên biển Hoàng Hải hôm 26/3, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, và công bố các biện pháp đối phó với Bình Nhưỡng sau vụ việc trên.

Triều Tiên kiên quyết bác bỏ mọi lời buộc tội của Hàn Quốc, khẳng định rằng Seoul đã làm giả các chứng cớ, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để "đáp lại các động thái trừng phạt."

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 25/5 đã lên tiếng ủng hộ việc nước này lần đầu tiên trong vòng sáu năm qua sử dụng lại cụm từ "kẻ thù chính" để chính thức mô tả Triều Tiên.

Theo Văn phòng Tổng thống, phát biểu tại cuộc gặp các cựu chính khách hàng đầu có ảnh hưởng đối với dư luận Hàn Quốc, trong đó có các cựu thủ tướng và chủ tịch quốc hội, Tổng thống Lee Myung-bak nêu rõ: "Quân đội của chúng ta đã không xác định rõ khái niệm 'kẻ thù chính" trong thập kỷ vừa qua. Lâu nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào những mối đe dọa tiềm tàng ở bên ngoài bán đảo Triều Tiên."

Hiện có tin nói rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến việc sử dụng lại khái niệm gây tranh cãi "kẻ thù chính" trong Sách Trắng Quốc phòng được công bố hai năm một lần của nước này, sau khi Seoul hồi tuần trước chính thức kết luận Bình Nhưỡng đứng đằng sau vụ chìm tàu Cheonan. Khái niệm "kẻ thù chính", được sử dụng chính thức lần đầu tiên năm 1995, bị xóa bỏ năm 2004 dưới thời cố Tổng thống Rô Mu Hiên (Roh Moo-hyun) và được thay thế bằng cụm từ mang sắc thái nhẹ nhàng hơn là "mối đe dọa quân sự trực tiếp" trong bối cảnh tâm lý hòa giải không ngừng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên.

Trong khi đó, nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này cùng Mỹ và Hàn Quốc sẽ nhóm họp vào ngày 26/5 để thảo luận các biện pháp đối phó với CHDCND Triều Tiên sau khi Ủy ban Điều tra hỗn hợp quân sự - dân sự (JIG) kết luận Triều Tiên đã dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan.

Dự kiến, tại cuộc họp ba bên lần đầu tiên về sự cố này, Cục trưởng Cục châu Á-châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân sáu bên Hàn Quốc Wi Sung Lac sẽ tập trung thảo luận sự hợp tác về mặt chính sách đối với các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên khi ba nước đều thống nhất rằng hành động của Bình Nhưỡng là "một sự khiêu khích quân sự."

Ba nước sẽ thành lập một liên minh quốc tế để đối phó với vấn đề này, đồng thời đưa vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nguồn tin cho biết một trong những biện pháp mà ba nước đặc biệt chú trọng là tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc, nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết và là nước đồng minh truyền thống của Triều Tiên.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Hàn Quốc trong ngày 26/5 để thảo luận về vụ tàu Cheonan. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng sẽ có chuyến thăm tương tự trong ngày 28/5 tới.

Mỹ, Nhật Bản, Anh và Australia đều kịch liệt lên án Triều Tiên trong vụ đắm tàu chiến Cheonan, gọi đây là "một trong những sự khiêu khích tồi tệ nhất kể từ sau khi kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953."

Ngày 24/5, ngay sau khi Hàn Quốc đình chỉ mọi quan hệ thương mại với Triều Tiên liên quan tới vụ việc trên, Washington cũng thông báo bắt đầu xem xét lại chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Điệm Kremlin cho biết Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25/5 đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak và gửi lời chia buồn về vụ chìm tàu Cheonan.

Nhà lãnh đạo Nga đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn chặn làm leo thang cuộc khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ liệu Mátxcơva có đồng ý với tuyên bố của Seoul rằng vụ chìm tàu Cheonan là do ngư lôi của Triều Tiên gây ra hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục