Triều Tiên dọa tấn công Nhật nếu vệ tinh bị đánh chặn

CHDCND Triều Tiên ngày 2/4 đe dọa sẽ tấn công Nhật Bản nếu nước này thực hiện bất cứ hành động nào nhằm bắn hạ vệ tinh mà Triều Tiên chuẩn bị phóng.

CHDCND Triều Tiên ngày 2/4 đe doạ sẽ tấn công Nhật Bản nếu nước này thực hiện bất cứ hành động nào nhằm bắn hạ vệ tinh mà Triều Tiên chuẩn bị phóng.

Trong tuyên bố đặc biệt, được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cảnh báo "nếu các lực lượng thù địch thực hiện bất cứ hành động đánh chặn nào dù là nhỏ nhất đối với vệ tinh vì mục đích hòa bình của Triều Tiên, KPA sẽ lập tức tiến hành các cuộc tấn công trả đũa".

Tuyên bố nêu rõ "nếu Nhật Bản liều lĩnh bắn vệ tinh của Triều Tiên, KPA sẽ không ngần ngại trút các đòn chí tử không chỉ nhằm vào các loại vũ khí đánh chặn đã được triển khai mà còn cả các mục tiêu chủ chốt của Nhật Bản".

Tuyên bố cũng yêu cầu Mỹ "rút ngay các lực lượng vũ trang đã triển khai nếu muốn tránh tổn thất", đồng thời kêu gọi Hàn Quốc tránh tìm cách cản trở vụ phóng.

Còn tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Tokyo cảnh báo sẽ "làm tất cả" để đánh chặn tên lửa của Triều Tiên nếu có nguy cơ rơi vào lãnh thổ Nhật Bản; trong khi đó, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng vụ phóng tên lửa đẩy sắp tới của Triều Tiên có thể thành công nhờ hợp tác kỹ thuật với Iran để khắc phục những trục trặc trước đây.

Ông Kim Byung-Yong, nhà nghiên cứu của Viện phân tích quốc phòng Hàn Quốc, nhận định sau khi Iran phóng thành công vệ tinh viễn thông bằng tên lửa đẩy tự tạo hôm 2/2 vừa qua, người ta tin rằng những lý do khiến vụ phóng thử tên lửa Taepodong của Triều Tiên năm 2006 thất bại đã được loại bỏ.

Ông Kim, được Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời, cho biết tên lửa đẩy của Iran được thiết kế có hai tầng, chứa nhiên liệu lỏng, trong khi tên lửa của Triều Tiên có 3 tầng, với tầng trên cùng chứa nhiên liệu rắn.

Ông Baek Seung-Joo, chuyên gia cao cấp của viện trên, cho rằng Triều Tiên và Iran đã bắt đầu hợp tác phát triển tên lửa tầm xa từ đầu năm 2000 và việc trao đổi công nghệ đã được tăng cường kể từ thời điểm đó.

Theo ông, hiện Iran đang tái xuất khẩu công nghệ tên lửa sang Triều Tiên, nước ban đầu giúp đặt nền móng cho việc phát triển tên lửa của Iran.

Trước đó, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản ra ngày 29/3 cho biết một nhóm 15 chuyên gia tên lửa Iran, trong đó có các nhân viên cấp cao của Tập đoàn Công nghiệp Shahid Hemmat chuyên sản xuất tên lửa và vệ tinh, đang có mặt ở Triều Tiên để giúp Bình Nhưỡng chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục