Triều Tiên lại phóng tên lửa tầm ngắn có dẫn đường

Ngày 19/5, Cộng hòa Dân chủ Nhân dânTriều Tiên tiếp tục phóng thêm một tên lửa tầm ngắn có dẫn đường trên vùng biển Nhật Bản.
Tân Hoa xã dẫn hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, ngày 19/5, Cộng hòa Dân chủ Nhân dânTriều Tiên đã tiếp tục phóng thêm một tên lửa tầm ngắn có gắn thiết bị dẫn đường trên vùng biển Nhật Bản.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vụ phóng được thực hiện vào chiều 19/5 theo giờ địa phương từ bờ biển phía Đông vào vùng biển Nhật Bản. Vụ phóng được thực hiện chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng cũng vừa tiến hành 3 vụ phóng tương tự.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định các vụ phóng tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng có thể nằm trong khuôn khổ diễn tập quân sự hoặc thử nghiệm, nhưng hiện cả quân đội Hàn Quốc và Mỹ đều được đặt trong tình trạng báo động cao trước khả năng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa tầm trung Musudan.

Trong phản ứng ngay sau khi Triều Tiên tiến hành 3 vụ phóng tên lửa tầm ngắn đầu tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ra tuyên bố chỉ trích và coi đây là hành động "khiêu khích". 

Bộ này cũng kêu gọi Triều Tiên trả lời đề xuất của Seoul về việc tổ chức hội đàm số phận Khu công nghiệp chung Kaesong. Đây là biểu tượng hợp tác duy nhất giữa hai miền nhưng đã bị ngừng hoạt động từ ngày 3/4 sau khi Bình Nhưỡng cấm các nhân viên người Hàn Quốc vào Kaesong, đồng thời rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc tại 123 công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp này.

[Triều Tiên bắn 3 quả tên lửa tầm ngắn có dẫn đường]

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Bình Nhưỡng kiềm chế mà không đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào về các vụ phóng. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ quan ngại trước các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên và hối thúc Bình Nhưỡng kiềm chế, tránh có các hành động tương tự.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh đã đến lúc Bình Nhưỡng phải quay lại bàn đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để làm giảm căng thẳng. Ông cũng cho biết Liên hợp quốc sẵn sàng giúp đỡ tiến trình này, đồng thời hối thúc Nga sử dụng các ảnh hưởng của mình để làm giảm căng thẳng và khơi thông đối thoại với Bình Nhưỡng.

Cơ chế đàm phán 6 bên được khởi động từ năm 2003 với sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga. Tuy nhiên, cơ chế này đã bị đình trệ từ năm 2008 sau khi trải qua 6 vòng đàm phán. Tháng 4/2009, Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục