Triều Tiên phản đối bị cấm vận thiết bị trượt tuyết

Triều Tiên chỉ trích các quyết định cấm vận của Thụy Sĩ và Pháp đã ngăn cản Triều Tiên nhập khẩu những thiết bị cho khu trượt tuyết.
Ngày 24/8, Triều Tiên đã chỉ trích một quyết định cấm bán thiết bị lắp đặt cho khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masik ở nước này, cho rằng các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc đang cản trở sự phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Hiệp hội các nhà trượt tuyết Triều Tiên nêu rõ: "Nếu chính phủ một số nước cho rằng người dân Triều Tiên không được phép sử dụng khu trượt tuyết này, thì đây là một sự lăng mạ không thể tha thứ."

Theo tuyên bố, dự án xây dựng khu trượt tuyết này được khởi công năm ngoái theo quyết tâm và kế hoạch của Đảng Lao động Triều Tiên để cung cấp cho người dân, thanh thiếu niên và trẻ em với những trang thiết bị hiện đại để người dân được tiếp cận và hưởng cuộc sống văn minh và hạnh phúc.

Tuyên bố cho rằng một số nước gần đây đã ngăn cản Triều Tiên nhập khẩu thiết bị cáp treo cho khu trượt tuyết, chiểu theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, mặc dù trong các lệnh cấm vận này cũng đã nêu rõ: "Những vật dụng cần thiết cho xây dựng kinh tế và cuộc sống của người dân không nằm trong diện bị cấm vận."

Tuyên bố nhấn mạnh "thiết bị cáp treo cho khu trượt tuyết không thể sản xuất ra tên lửa hay vũ khí hạt nhân."

Theo hiệp hội, hành động ngăn cản này là vi phạm bừa bãi Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó quy định các biện pháp trừng phạt không được phép áp đặt đối với những thực thể và hoạt động hòa bình của nhân loại, cũng như người dân tại các nước liên quan.

Theo kế hoạch, dự án khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masik, nằm ở tỉnh Kangwon thuộc Đông Nam Triều Tiên, gồm một khu trượt tuyết với độ cao hơn 1.360m trên mực nước biển và nhiều đường trượt với tổng chiều dài 110km, một khách sạn, bãi đỗ trực thăng và hệ thống cáp treo sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Hiện các đường trượt đã xây xong, khách sạn và một số hạng mục khác cũng gần đến giai đoạn hoàn thiện.

Trước đó, có tin Công ty Bartholet Maschinenbau của Thụy Sĩ đã chấp thuận bán ghế ngồi và cabin cáp treo cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hôm 19/8, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã ngăn chặn thỏa thuận ước tính trị giá 7,6 triệu USD này sau khi chính phủ quốc gia Tây Âu này tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hồi tháng Bảy vừa qua.

Theo SECO, việc bán các thiết bị cho dự án khu trượt tuyết của Triều Tiên là vi phạm lệnh cấm xuất khẩu hàng xa xỉ cho quốc gia bị cáo buộc là phát triển vũ khí hạt nhân này.

Nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ cho biết nhà cung cấp thang máy trượt tuyết hàng đầu thế giới Doppelmayr của Áo cũng đã hủy hợp đồng với Triều Tiên "vì lý do chính trị," tương tự như hãng Pomagalski của Pháp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục