Triều Tiên thử tên lửa: Chiến thuật gây sức ép tinh tế

Vụ thử tên lửa ngày 25/3 cho thấy Triều Tiên có thể là một phần của chiến thuật tinh tế nhằm gây sức ép để giành được lợi thế trước khi chấp nhận đàm phán với chính quyền mới của Mỹ.
Triều Tiên thử tên lửa: Chiến thuật gây sức ép tinh tế ảnh 1Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. (Ảnh: AP)

Theo Reuters/inquirer.net/nytimes.com/AFP, truyền thông quốc tế dẫn lời giới chức Mỹ và Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông của nước này sáng 25/3.

Đây là động thái gây hấn lớn đầu tiên nhằm vào Mỹ dưới thời chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Giới phân tích cho rằng vụ thử này cho thấy Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí tên lửa đạn đạo của mình và có thể là một phần của chiến thuật tinh tế nhằm gây sức ép để giành được lợi thế trước khi chấp nhận đàm phán với chính quyền mới của Mỹ.

Mặc dù Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên phóng 2 vật thể bay chưa xác định, song Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga là lãnh đạo đầu tiên trong khu vực xác định đây là những “tên lửa đạn đạo.”

Một quan chức cấp cao của Mỹ cũng khẳng định những vật thể này là tên lửa đạn đạo. Bình luận trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã mạnh mẽ lên án và phản đối: “Hành động này đe dọa hòa bình, an ninh của Nhật Bản và khu vực, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.”

Giới chức quốc phòng Hàn Quốc ngày 24/3 khẳng định Bình Nhưỡng cũng đã thử 2 tên lửa hành trình tầm ngắn hồi cuối tuần qua, song vụ thử nghiệm này không vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc vốn cấm chính quyền Bình Nhưỡng phát triển và thử tên lửa đạn đạo.

Trang mạng inquirer.net của Philippines nhận định rằng nếu vụ thử được xác định thì hoạt động này sẽ đặt ra một thách thức mới đối với những nỗ lực của chính quyền Biden khi can dự với Bình Nhưỡng. Thế nhưng, Triều Tiên cho đến nay vẫn “quay lưng” với trước nỗ lực của Washington.

[Mỹ phản ứng về vụ Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản]

Bình luận trên Reuters về những động thái trở lại tiến hành thử nghiệm các loại tên lửa nói trên, ông Leif-Eric Easley - Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại trường Đại học nữ sinh Ewha ở Seoul (Hàn Quốc) - nhận định Triều Tiên đang đùa cợt với những giới hạn đặt ra cho nước này theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo vị giáo sư này, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lâu nay tích cực can dự với Triều Tiên nhằm xây dựng bầu không khí hòa bình. Chính quyền Joe Biden đang tìm cách hoàn thiện công tác đánh giá chính sách đối với Bình Nhưỡng trước khi tiến hành bất kỳ động thái lớn nào.

Giới phân tích chiến lược ở Tokyo lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành các hành động gây hấn nhằm hủy hoại tiến trình hợp tác giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Hiện 3 nước đang nỗ lực thảo luận để đạt được sự đồng thuận về biện pháp răn đe, trừng phạt và can dự với Bình Nhưỡng.

Bình luận trên inquirer.net, ông Vipin Narang - chuyên gia về vấn đề hạt nhân thuộc Viện Công nghệ Massachusetts - cho rằng ngay cả vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất này sẽ là một “bước leo thang” sau vụ thử cuối tuần qua, giúp Triều Tiên cải thiện năng lực công nghệ, đồng thời phát đi đòn đáp trả tương xứng đối với hoạt động diễn tập chung Mỹ-Hàn.

Chuyên gia này cũng cho rằng vụ thử mới nói trên cũng là tín hiệu gửi đến Mỹ rằng Bình Nhưỡng đang cải thiện kho vũ khí của họ. Theo ông, mặc dù vụ thử nghiệm không hủy hoại những nỗ lực ngoại giao lâu nay của các bên song là lời cảnh báo đối với các nước về cái giá phải trả nếu họ không đạt được thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng.

Reuters dẫn lời ông Vipin Narang bày tỏ quan ngại: “Mỗi ngày trôi qua mà không đạt được thỏa thuận nào nhằm giảm thiểu những rủi ro mà kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gây ra thì mọi việc càng trở nên tồi tệ và khó khăn hơn.”

Theo Inquirer.net, cho đến nay, Bình Nhưỡng không hề đáp lại những cử chỉ và động thái ngoại giao của chính quyền Biden. Triều Tiên tuyên bố sẽ chỉ can dự đối thoại khi Mỹ từ bỏ các chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc từ bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Giới chức Mỹ ngày cho biết quá trình đánh giá chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đang ở “những giai đoạn cuối cùng” và sẽ thảo luận những vấn đề trong bản đánh giá này cùng các cố vấn an ninh quốc gia của hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới.

Trang mạng New York Times dẫn nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng công tác đánh giá này là “một vấn đề khó khăn”. Ông tiết lộ bản đánh giá này bao gồm “các phương án gây sức ép và triển vọng thực hiện chính sách ngoại giao trong tương lai.”

Hiện giới phân tích đang theo dõi chặt chẽ xem liệu chính sách của Biden đối với Triều Tiên có tiếp nối chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama hay không, chứ có lẽ ông sẽ không theo đuổi chính sách can dự trực tiếp hơn của người tiền nhiệm Donald Trump.

Obama theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên”, theo đó, Washington sẽ ít can dự mà gia tăng dần các đòn trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. 

Vụ phóng tên lửa ngày 25/3 của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi giới chức cấp cao của Mỹ tìm cách giảm nhẹ ý nghĩa của vụ thử hồi cuối tuần trước khi nói rằng đó chỉ là một phần của “hoạt động quân sự thông thường” và có mức độ gây hấn “thấp”. Bản thân Tổng thống Biden cũng chỉ coi vụ thử hồi cuối tuần là “không có gì mới trong cách hành xử của Triều Tiên.”

Giới chức và giới phân tích khu vực lâu nay vẫn theo dõi sát sao các động thái của Triều Tiên để xem liệu nước này có làm gia tăng căng thẳng để giành được lợi thế trước khi đàm phán với chính quyền Biden hay không.

Trong những ngày gần đây, Bình Nhưỡng đã đưa ra một số phát ngôn thù địch. Giới phân tích cho rằng vụ thử mới này có thể là một phần của chiến thuật tinh tế nhằm gây sức ép đối với Mỹ.

Vụ thử này cũng làm gia tăng nguy cơ Bình Nhưỡng quay trở lại chu kỳ gây căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên nhằm buộc Washington phải đưa ra những nhượng bộ nhất định. 

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Hoạt động này nằm trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh khu vực Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả hơn khi đối phó với năng lực phát triển vũ khí ngày càng lớn mạnh của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bình thản đáp rằng họ không có nhu cầu đáp lại những nỗ lực gần đây của chính quyền Biden nhằm kích hoạt một cuộc đối thoại. Triều Tiên coi nỗ lực này chỉ là một “mách khóe câu giờ.”

Trong một thông điệp gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường sự đoàn kết và thống nhất giữa Triều Tiên và Trung Quốc nhằm “đối phó với những thế lực thù địch”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục