Triều Tiên thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ

Câu hỏi đặt ra là liệu chính sách ngoại giao mà những cố vấn của ông Obama gọi là "kiên nhẫn chiến lược" có thể giải quyết được vấn đề hay không.

Hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên có thể sẽ là cuộc thử nghiệm quan trọng xem liệu Tổng thống Mỹ Barack Obama có duy trì cách chính sách "kiên nhẫn chiến lược" đối với Bình Nhưỡng nữa hay không.

 

Các quan chức Mỹ nói rằng, trong bối cảnh Triều Tiên có khả năng khép lại hàng loạt những lời đe dọa hiếu chiến của mình bằng một hành động khiêu khích quân sự trong những ngày sắp tới, Mỹ đã cùng đồng minh Hàn Quốc vạch ra những kế hoạch an ninh mới, đồng thời tăng sức ép buộc Trung Quốc phải hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng.

 

Các quan chức này cho biết việc điều chỉnh cách tiếp cận của Tổng thống Obama đối với Triều Tiên bao gồm cả việc sửa đổi những quy tắc can thiệp nhằm đáp trả bất kể cuộc tấn công nào một cách mạnh mẽ hơn trước đây, song theo cách thức tránh đẩy tình hình biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

[Triều Tiên dọa hủy diệt các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản]

 

Cho dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chính sách ngoại giao mà những cố vấn của ông Obama gọi là "kiên nhẫn chiến lược" - theo đó Nhà Trắng cô lập Triều Tiên và không vì những hành động khiêu khích của nước này mà đưa ra bất kể nhượng bộ ngoại giao nào - có thể giải quyết được vấn đề hiện nay hay không. Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đang dần biến thành một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên bán đảo này kể từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

 

Cho tới nay, Chính quyền của Tổng thống Obama đã không thể ngăn chặn những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ khi ông Obama lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất và các vụ thử tên lửa bị cấm khác. Những người tiền nhiệm của ông Obama cũng không mấy thành công trong việc kiềm chế các chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Obama phải đối mặt với tình hình bất ổn ở mức độ cao hơn do Kim Jong Un - nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên - đã đưa ra hàng loạt lời đe dọa mạnh mẽ nhằm phản ứng lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn.

 

Một quan chức cấp cao trong Chính quyền Obama cho biết: "Chúng tôi đang điều chỉnh các chiến lược và cách tiếp cận đối với cách hành xử của Kim Jong Un". Nếu Kim Jong Un vẫn thực hiện những chiến lược như trước đây của Triều Tiên thì như các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự đoán, Bình Nhưỡng sẽ phóng thử một hoặc hai tên lửa vào khoảng ngày 15/4 - ngày sinh của cố nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành, đồng thời là ông nội của Kim Jong Un.

 

Quan chức Mỹ giấu tên nói trên cho biết: "Một màn trình diễn 'pháo hoa' cuối cùng nhằm kết thúc một chuỗi những hành động leo thang chắc chắn là rất hợp lý". Các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ không hành động nếu tên lửa của Bình Nhưỡng rơi vào vùng biển đúng như họ dự đoán. Tuy nhiên, một quan chức khác trong Chính quyền Mỹ nói rằng các lực lượng này sẽ sẵn sàng bắn hạ tên lửa nếu nó gây đe dọa tới Hàn Quốc, Nhật Bản hay đảo Guam của Mỹ.

[Mỹ chỉ đánh chặn tên lửa của Triều Tiên khi bị đe dọa]

 

Tuy vậy, các quan chức Mỹ không loại trừ khả năng thay vì phóng tên lửa, Triều Tiên sẽ tấn công vào một tàu hoặc một đồn biên giới của Hàn Quốc. Các quan chức này cho biết mặc dù đã thực hiện các động thái phòng ngừa với hy vọng tránh để tình hình leo thang thành xung đột, song nếu Triều Tiên tấn công thì Hàn Quốc sẽ "trả đũa tương xứng".

 

Kế hoạch an ninh mới này, lần đầu tiên được nhắc tới trên tờ Thời báo New York hôm 8/4, nhằm tái cam đoan với Hàn Quốc rằng nước này có thể phản ứng bằng quân sự đối với bất kể động thái khiêu khích mới nào. Năm 2010, Hàn Quốc đã phải kiềm chế hành động sau khi bị Triều Tiên hai lần tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, kế hoạch này có rất nhiều rủi ro. James Schoff, một chuyên gia về châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, viết: "Một lập trường như vậy đẩy bán đảo này đứng trước tình thế nguy hiểm khó dự đoán".

 

Mỹ cũng muốn Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên - phải hành động nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở việc khiển trách Bình Nhưỡng và thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ mà họ đã đàm phán với Washington gần đây. Các quan chức Mỹ hiểu rằng Trung Quốc chỉ muốn gây sức ép đối với Triều Tiên ở mức có giới hạn bởi họ lo ngại rằng nếu quốc gia láng giềng nghèo đói và gây nhiều rắc rối này sụp đổ thì làn sóng di cư ồ ạt sẽ trở thành tại họa đối với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, việc Mỹ phô trương sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên và những khu vực gần đó đã gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc rằng nếu Mỹ không thể trừng trị được Bình Nhưỡng thì Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực - điều mà Bắc Kinh luôn phản đối.

 

Ngay cả khi căng thẳng dâng cao và Chính quyền Obama phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận "kiên nhẫn chiến lược". Quan chức cấp cao giấu tên nói trên cho biết: "Điều quan trọng là chúng ta không cho phép Triều Tiên thu được chút lợi ích nào từ tình hình hiện nay".

Cựu Tổng thống George W.Bush - người tiền nhiệm của ông Obama - đã từ bỏ chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng trong nhiệm kỳ đầu tiên, thay vào đó là đưa ra những nhượng bộ nhằm tăng cường các hoạt động ngoại giao trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông đã gạch tên Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng hộ và hủy bỏ việc phong tỏa các tài khoản ngân hàng của gia đình họ Kim.

[Mỹ-Hàn Quốc phác thảo kế hoạch đáp trả Triều Tiên]

 

Lên nắm quyền năm 2009, ông Obama đã cam kết can dự nhiều hơn vào vấn đề Triều Tiên. Bốn tháng sau, Triều Tiên phóng tên lửa - động thái vi phạm các nghị quyết của LHQ, khiến quan hệ Washington và Bình Nhưỡng xấu đi. Kể từ đó, Mỹ áp dụng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" - chiến thuật ngoại giao ngừng hành động để đợi thời cơ, theo đó Washington tập trung vào các lệnh trừng phạt và lên án Triều Tiên trong khi vẫn để ngỏ khả năng nới lỏng việc cô lập quốc gia này nếu họ cư xử tốt hơn.

 

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng liên tục có các hành động gây hấn và tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân. Đến nay, người ta cho rằng Triều Tiên đã có đủ số plutoni cần thiết để chế tạo khoảng hơn 5 quả bom, mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng nước này cần nhiều năm nữa mới có thể chế tạo được đầu đạn hạt nhân.

 

Tháng 2, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ không thuộc đảng phái nào kết luận rằng chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của Tổng thống Obama cơ bản là nhằm "kiềm chế các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hơn là giảm quy mô chương trình hạt nhân của nước này". Báo cáo nhấn mạnh rằng chính sách này đã cho phép Triều Tiên kiểm soát chương trình nghị sự, ý ám chỉ việc Bình Nhưỡng đã thao túng cách Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ phản ứng lại các hành động của Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, Triều Tiên là một vấn đề gai góc và thậm chí các đối thủ Cộng hòa của ông Obama cũng không thể đưa ra giải pháp tốt hơn. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham - người thường xuyên trỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Obama - nói trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của đài NBC: "Tôi đánh giá cao những gì chính phủ đang làm"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục