Triều Tiên tích lũy 'vốn ngoại giao' để đàm phán với Mỹ?

Theo giới phân tích, ông Kim Jong-un thông qua hoạt động ngoại giao với Nga và Trung Quốc để gây sức ép với Mỹ, với hy vọng Tổng thống Trump quản lý tốt nội các thuộc phe diều hâu của mình
Triều Tiên tích lũy 'vốn ngoại giao' để đàm phán với Mỹ? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 8/1/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ Đại Công báo của Hong Kong cho rằng sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội (Việt Nam) không đạt được kết quả như kỳ vọng, Triều Tiên âm thầm tích lũy "vốn ngoại giao" để sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ.

Trong đó, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều hồi trung tuần tháng 4/2019, cũng như chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới là những cơ hội tốt để Triều Tiên bổ sung cho "vốn ngoại giao" của mình.

Giới phân tích Trung Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên cuối cùng đã có được hướng giải quyết trên bàn đàm phán.

[Mỹ và Hàn Quốc khẳng định sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên]

Trước tiên là tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu "tan băng" bởi những nỗ lực thúc đẩy quan hệ qua lại giữa hai miền Triều Tiên, sau đó là 2 cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, trong đó cuộc gặp tại Singapore quá lạc quan, còn cuộc gặp ở Việt Nam lại quá bất ngờ.

Mặc dù vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 vẫn có khả năng diễn ra.

Cùng thời điểm này, quan hệ Trung-Triều dần nồng ấm trở lại, lãnh đạo Triều Tiên liên tục có các chuyến thăm Trung Quốc và lần này ông Tập Cận Bình lần đầu tiên tới thăm Bình Nhưỡng với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Đây chính là cơ hội tốt, ngoài chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un, để Triều Tiên tích lũy "vốn liếng ngoại giao," sẵn sàng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 có thể diễn ra trong tương lai gần.

Không thể phủ nhận rằng các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã mang lại cho thế giới một hy vọng tốt đẹp, đáng tiếc là thế lực thuộc phe diều hâu của Mỹ luôn tìm cách cản trở Tổng thống Donald Trump trong các bước tiến ngoại giao nhanh chóng với Triều Tiên.

Điều này phần nào cho thấy sự thiếu lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên đã tích tụ quá nhiều và quá lâu, trở thành một “tảng băng cứng” rất khó tan chảy.

Ngay cả sự quyết đoán của Tổng thống Trump cũng khó có thể làm lay động được các thế lực chống Triều Tiên ở Mỹ.

Trước tình hình này, Triều Tiên đã âm thầm tạo thế và lực của mình thông qua việc thực hiện các hành động ngoại giao cấp cao với các nước được coi là đồng minh như Trung Quốc và Nga.

Hơn ai hết, ông Kim Jong-un hiểu rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tuy không có kết quả nhưng mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Triều chưa đến mức mất kiểm soát, Triều Tiên cũng không chặn đường tiếp tục đàm phán với Mỹ, trái lại đang lặng lẽ chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ, tất nhiên là với điều kiện Mỹ phải thể hiện thiện chí và sự chân thành.

Ý đồ của Triều Tiên rất rõ ràng, ông Kim Jong-un thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao với Nga và Trung Quốc để gây sức ép với Mỹ, với hy vọng Tổng thống Trump sẽ quản lý tốt nội các thuộc phe diều hâu của mình khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba diễn ra.

Ông Kim Jong-un nhận thấy rất rõ tính bất cân xứng giữa Mỹ và Triều Tiên, nên việc đặt cược tất cả vào Tổng thống Trump là đầy bất trắc và rủi ro lớn.

Vì vậy, Triều Tiên cần có trong tay nhiều con bài hơn để tăng cường khả năng đặt điều kiện đàm phán với Mỹ.

Trong bối cảnh này, tận dụng tối đa các cuộc đọ sức ngoại giao đối với Mỹ thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao với Nga và Trung Quốc luôn là lựa chọn số một của Triều Tiên.

Mặc dù không có sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì sẽ không có sự nới lỏng mối quan hệ Mỹ-Triều, song tiếng nói của Hàn Quốc không đủ mạnh, chính sách hòa giải giữa hai miền Triều Tiên chỉ có thể làm giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo, chứ không giúp ích nhiều cho các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân Mỹ-Triều.

Triều Tiên có thể cứng rắn với Mỹ là do nước này có thể dựa vào thế lực của các nước lớn, và điểm tựa chiến lược quan trọng nhất của Triều Tiên chính là tiếp tục làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống Trung-Triều và quan hệ Nga-Triều, từ đó khiến cho Triều Tiên có thể dựa vào Trung Quốc, và thậm chí cả Nga, để đọ sức với Mỹ.

Trung Quốc là một bên then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Nga cũng là một bên quan trọng. Trước hết, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên liên quan đến 6 bên là Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên. Về vấn đề này, lập trường của Trung Quốc và Nga tương tự nhau. Điều này là do các yếu tố lịch sử của cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Xét về logic thực tế địa chính trị, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hình thành một liên minh chính trị và quân sự. Do đó, dựa trên sự hòa giải các mối quan hệ liên Triều, việc Triều Tiên tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga đã hình thành một tỷ lệ 4/2 có lợi cho Triều Tiên trong thế địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á của 6 nước liên quan.

Thứ hai, mối quan hệ Mỹ-Nga đang ở trạng thái tồi tệ nhất trong lịch sử. Mặc dù hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ với Nga, nhưng ông Trump lại vấp phải sự cản trở của các thế lực chống Nga lớn mạnh nên ông buộc phải cứng rắn hơn với nước này. Đây là cục diện chính trị phức tạp mà ngay cả ông Trump cũng không thể thoát khỏi. Có thể nói rằng Nga và Triều Tiên đang ở trong tình trạng tương tự.

Cuộc gặp Kim-Putin là sự tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Triều Tiên và Nga, cũng là để phát đi tín hiệu thị uy với Mỹ.

Kim Jong-un đã nắm quyền lực 8 năm, cuối cùng đã thực hiện được cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Putin, và Nga là quốc gia thứ tư mà lãnh đạo Triều Tiên từng đến thăm, sau Trung Quốc, Singapore và Việt Nam.

Mặc dù Nga đặt trung tâm chiến lược của mình ở châu Âu, nhưng cũng muốn phát huy tầm ảnh hưởng của mình ở Viễn Đông.

Điều quan trọng hơn là Nga đang ở trong tình trạng thụ động ở châu Âu, nhưng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, cuộc gặp Kim-Putin lại có thể làm nổi bật vai trò quan trọng của Moskva.

Bởi vì lập trường của Nga và Trung Quốc giống nhau trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên nên Trung Quốc, Nga, Triều Tiên cộng thêm Hàn Quốc có thể hình thành một lực lượng đọ sức mạnh mẽ để giảm bớt sức ép địa chính trị của Nga ở châu Âu.

Về vấn đề này, cuộc gặp Kim-Putin vừa khiến Triều Tiên có thêm một quân bài đàm phán với Mỹ, vừa khiến Nga tăng thêm khả năng đọ sức với nước này.

Hiển nhiên, cuộc gặp Kim-Putin đã gây sức ép cho Mỹ, nhưng sức ép này chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Một mặt, nhà lãnh đạo Triều Tiên lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm và cần một môi trường quốc tế ổn định, vì vậy họ sẽ không muốn tiếp tục trở thành một kẻ gây rối ở Đông Bắc Á.

Mặt khác, Triều Tiên không từ bỏ cơ hội tiếp tục cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim, vì thế cuộc gặp Kim-Putin không phải là để từ bỏ tiếp xúc với Mỹ, mà là để Mỹ phải coi trọng sự tồn tại của Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục