Triều Tiên tuyên bố sắp phóng vệ tinh

Ngày 4/4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn từ Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên có đoạn: "Quá trình chuẩn bị phóng vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 nhờ tên lửa đẩy Unha-2 đã được hoàn tất tại bãi phóng ở vùng duyên hải phía Đông của Triều Tiên. Vệ tinh sẽ sớm được phóng".

Ngày 4/4, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn nguồn từ Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên có đoạn: "Quá trình chuẩn bị phóng vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 nhờ tên lửa đẩy Unha-2 đã được hoàn tất tại bãi phóng ở vùng duyên hải phía Đông của Triều Tiên. Vệ tinh sẽ sớm được phóng".

Bình Nhưỡng nhấn mạnh những thông cáo đã gửi tới các cơ quan hàng không và vận tải quốc tế vẫn không thay đổi, và thời gian phóng vệ tinh sẽ từ ngày 4-8/4, trong khoảng thời gian từ 2-7 giờ GMT (tức 9h đến 14h Việt Nam).

Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cũng cho biết các máy thu hình giám sát đã được lắp đặt tại bãi phóng Musudan-ri của Triều Tiên. Tên lửa Unha-2, hay Taepodong-2, về mặt lý thuyết có tầm bắn tối đa có thể tới khu vực Alaska hoặc Hawaii.

Nguồn tin từ Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã hoàn tất khâu nạp nhiên liệu cho tên lửa cũng như đã lắp đặt xong các thiết bị kiểm soát. Thông thường việc lắp đặt các thiết bị này được tiến hành chỉ vài giờ trước khi phóng tên lửa. Các báo của Nhật Bản đưa tin Triều Tiên đã triển khai các tàu hải quân ở vùng Biển Nhật Bản để chuẩn bị cho vụ phóng và thu thập các dữ liệu về đường bay của của tên lửa, các mảnh vỡ rơi xuống từ quá trình tách tên lửa.

Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 3/4 liên tiếp có những nỗ lực nhằm kêu gọi Triều Tiên ngừng kế hoạch phóng vệ tinh. Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, ngày 3/4 khẳng định "Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tiến hành các đàm phán song phương với Triều Tiên", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng vệ tinh và trở lại bàn đàm phán sáu bên.

Theo ông Bosworth, đàm phán sáu bên phải là trung tâm của các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và điều này sẽ không thay đổi. Washington cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương với Bình Nhưỡng và đã chuẩn bị cho việc mở kênh đối thoại này vào bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, trong trường hợp Triều Tiên vẫn hành động, Washington sẽ đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng.

Mỹ, Pháp, Anh và Nhật Bản đã tiến hành phiên họp khẩn cấp cùng ngày nhằm thảo luận về nghị quyết mới, siết chặt hơn các lệnh trừng phạt hiện có nếu Bình Nhưỡng phóng vệ tinh mà nhiều nước cho rằng thực chất là phóng tên lửa tầm xa.

Các nước này đang truyền tay nhau một bản dự thảo nghị quyết trong đó tái khẳng định việc cần phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng thảo luận kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Gates khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì hợp tác và điều phối chặt chẽ trong việc kiểm soát kế hoạch phóng thử tên lửa của Triều Tiên bằng một thái độ bình tĩnh. Từ London, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bày tỏ sẵn sàng cử đặc phái viên đến Triều Tiên nhưng đề xuất này chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp ngày 3/4, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Yukio Takasu cho biết Nhật Bản sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp nếu Bắc Triều Tiên phóng tên lửa. Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ đồng hồ sau vụ phóng.

Hãng tin AP cho biết Mỹ và Pháp đã bày tỏ lập trường ủng hộ quyết định này, trong khi Trung Quốc và Nga lại phản đối. Theo một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, hiện các nước thành viên của Hội đồng Bảo an đang tiến hành các hoạt động ngoại giao liên quan tới vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục