Trợ cấp nghệ sỹ biểu diễn mùa dịch: Tiếp sức để giữ ngọn lửa nghề

Trước sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực của Chính phủ, nghệ sỹ biểu diễn bày tỏ sự cảm kích, trân trọng song họ cũng có nguyện vọng rằng thủ tục trợ cấp cần nhanh chóng hơn.
Các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có viên chức nghệ thuật biểu diễn giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.

Sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực đã khiến các nghệ sỹ ấm lòng. Họ như được tiếp sức để giữ ngọn lửa nghề vẫn cháy trong tim dù sân khấu đã "cửa đóng then cài".

Ấm lòng người nghệ sỹ

Khi biết thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, chị Thúy Ánh-nghệ sỹ Nhà hát Múa rối Thăng Long khấp khởi mừng. Chị đã phải nghỉ ở nhà hơn một năm nay, phải xoay sở nhiều công việc khác nhau để lo cho gia đình nhỏ của mình. Khoản tiền hỗ trợ 3.710.000 đồng rất có ý nghĩa đối với chị trong lúc này.

Thúy Ánh sinh năm 1993, vào nhà hát từ năm 2016. Chị từng tham gia vở diễn "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của đạo diễn Lê Chí Kiên, vở “Mơ Rồng” của đạo diễn Lê Quý Dương…

Trợ cấp nghệ sỹ biểu diễn mùa dịch: Tiếp sức để giữ ngọn lửa nghề ảnh 1Nghệ sỹ Thúy Ánh, Nhà hát Múa rối Thăng Long. (Ảnh: NVCC)

Khoảng thời gian nhà hát luôn luôn sáng đèn, những nghệ sỹ như Thúy Ánh có mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Cùng với thu nhập từ việc kinh doanh của chồng, gia đình nhỏ của chị cũng có mức sống tạm ổn ở Thủ đô.

Nhà hát Múa rối Thăng Long nổi tiếng là “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm,” đối tượng khán giả chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Do đó, khi dịch COVID-19 bùng phát, Nhà hát chịu ảnh hưởng nặng nề khiến hơn 100 nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

“Khi nghe tin nghệ sỹ được hỗ trợ một khoản tiền, tôi rất vui, cảm thấy mình được Nhà nước quan tâm và không bị bỏ quên. Số tiền này là sự động viên tinh thần và giúp đỡ về mặt vật chất rất thiết thực trong lúc này. Dù biết rằng từ lúc có chủ trương cho đến khi thực hiện cũng sẽ mất một khoảng thời gian thì số tiền mới đến tay các nghệ sỹ nhưng tôi vẫn hy vọng là sớm được nhận,” chị Thúy Ánh giãi bày.

[Khi cải lương cất lên khúc tráng ca về những người chiến sỹ cách mạng]

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết liên đoàn đã nhanh chóng lập danh sách hơn 100 trường hợp thuộc đối tượng được hỗ trợ.

“Nghệ thuật biểu diễn đã gặp khó khăn trong 2 năm nay rồi và chưa biết dịch bệnh sẽ còn kéo dài đến khi nào. Khoản tiền hỗ trợ có thể không nhiều nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần nghệ sỹ rất lớn,” anh nói.

Qua đây, các nghệ sỹ cũng có dịp nhìn lại và trân trọng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Khi nghệ thuật biểu diễn sung sức, nhiều nghệ sỹ thích hoạt động tự do, ký hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân vì cátxê cao, liên tục có các suất diễn ở các khu du lịch nhưng khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta thấy rằng Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ và có chiến lược để phục hồi nghệ thuật biểu diễn,” nghệ sỹ Tống Toàn Thắng ghi nhận.

Cũng theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều tháng qua, đơn vị đã phải huy động các nguồn lực hỗ trợ mua gạo, nhu yếu phẩm để các diễn viên, nhất là diễn viên hợp đồng đang sinh sống trong khu tập thể của liên đoàn yên tâm sinh sống. Bởi hầu hết đây là các bạn trẻ mới ra trường, thu nhập thấp.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang), với hơn 2.000 viên chức là nghệ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (đây là nhóm nghệ sỹ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng).

Theo quy trình, hồ sơ từ các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sẽ do Sở Văn hóa-Thể thao (Sở Văn hóa-Thông tin) tại địa phương xét duyệt.

Dù nghệ sỹ rất mong mỏi khoản hỗ trợ là vậy, đã hơn một tháng kể từ khi lãnh đạo đơn vị nộp hồ sơ, họ vẫn đang tiếp tục chờ.

Mong được mở rộng đối tượng hỗ trợ

Lãnh đạo các nhà hát và các nghệ sỹ đều rất cảm kích và xúc động trước sự quan tâm của Chính phủ, song họ cũng hết sức sốt ruột, không biết khi nào mới được nhận khoản tiền này.

“Đời sống nghệ sỹ đang rất khó khăn. ‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no’. Chúng tôi mong rằng thủ tục sẽ được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nghệ sỹ trong lúc này,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ với phóng viên VietnamPlus.

Anh cho hay các nghệ sỹ xiếc đang ở trong tình trạng cầm cự, “ăn để sống” chứ không phải ăn để tập luyện, bởi chế độ dành cho nghệ sỹ xiếc đòi hỏi dinh dưỡng cao hơn nhiều.

Trợ cấp nghệ sỹ biểu diễn mùa dịch: Tiếp sức để giữ ngọn lửa nghề ảnh 2Nghệ sỹ luôn mong mỏi đến ngày nhà hát mở cửa, lại được cống hiến, phục vụ khán giả. (Ảnh: Minh Khánh/Vietnam+)

“Hiện nay, các diễn viên xiếc chỉ có thể tập ở nhà, để cơ thể dẻo dai thôi chứ không có bài bản, đạo cụ. Tôi rất lo lắng bởi sau thời gian giãn cách kéo dài, khi trở lại sàn diễn, họ sẽ phải tập rất căng. Đặc thù của ngành xiếc là như vậy, họ luôn luôn phải tập luyện,” anh cho biết.

Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Kiều Minh Hiếu cũng cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước là rất đáng quý, thể hiện sự quan tâm của cơ quan chủ quản với các nghệ sỹ. Song, qua gần hai năm sân khấu đóng băng, nghệ sỹ không có thu nhập, khoản tiền trợ cấp này chỉ mang tính chất động viên khích lệ tinh thần.

Anh cho rằng cần phải có cơ chế riêng về tiền lương, chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn cho nghệ sỹ, đảm bảo đời sống để họ yên tâm sáng tạo nghệ thuật, say mê hết mình với những vai diễn, những tác phẩm sân khấu.

Căn cứ vào tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đối tượng thụ hưởng chính sách là các đạo diễn, diễn viên hạng IV, tốt nghiệp hệ Trung cấp. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã chỉ ra một số bất cập.

Theo nghệ sỹ nhân dân Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, có những người thuộc diện diễn viên hạng IV đã làm việc lâu năm, hiện bậc lương đã được tăng lên bậc 9 bậc 10, khoảng 4-5 triệu/tháng. Trong khi đó, nhiều diễn viên trẻ được tuyển vào làm tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng tương đương với diễn viên hạng III, sau khi trừ bảo hiểm, lương chỉ còn 2-3 triệu lại không thuộc diện được trợ cấp.

Do đó, các đơn vị nghệ thuật mong rằng ngành văn hóa nên tổ chức một cuộc họp trực tuyến để lắng nghe ý kiến của các nghệ sỹ. Từ đó, cơ quan chức năng có thể linh hoạt, xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục