''Trò chơi chính trị'' - Yếu tố cản trở Malaysia phát triển

Có đến 62,8% người Mã Lai bản địa, 59,5% người gốc Hoa và 59,4% người gốc Ấn đang cảm thấy lo lắng về nền kinh tế của đất nước, vậy mà, các chính trị gia Malaysia vẫn mải miết với “trò chơi chính trị”
''Trò chơi chính trị'' - Yếu tố cản trở Malaysia phát triển ảnh 1(Nguồn: levelup.my)

Mới đây, tờ Malaysia Today đăng bài viết cho rằng việc các chính trị gia Malaysia mải mê với “trò chơi chính trị” là nguyên nhân khiến nước này tụt hậu so với nước láng giềng Singapore.

Mở đầu, bài báo điểm lại những lần khối cử tri gốc Hoa đã “cứu” thua cho ông Mahathir Mohamad và liên minh của ông, cả trong thời gian trước đây cũng như trong cuộc bầu cử lần thứ 14 hồi tháng 5/2018.

Bài báo cho rằng bằng cách lôi kéo và lợi dụng sự ủng hộ của khối cử tri này, ông Mahathir và liên minh Mặt trận quốc gia (BN) đã có thể thoát khỏi nguy hiểm và thắng cử trong năm 1999.

[Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố sẵn sàng từ chức]

Gần đây nhất, trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14, ông Mahathir và liên minh Hy vọng (PH) cũng nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ của khối cử tri này mới có thể giành chiến thắng trước BN của cựu Thủ tướng Najib.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của các cử tri gốc Hoa cũng như những cử tri không phải bản địa nói chung, sau khi thắng cử, ông Mahathir và các đồng minh đã không làm được gì nhiều để đáp ứng các mong mỏi của họ.

Không những thế, ngay chính những cử tri bản địa (người Mã Lai) cũng ngày càng tỏ ra thiếu tin tưởng và thất vọng với PH. Họ cho rằng PH cũng như giới chính trị gia ở Malaysia chỉ mải mê với “trò chơi chính trị” để kiếm phiếu bầu, giành quyền lực, chứ không tập trung sức lực đưa đất nước tiến lên.

Tệ hại hơn, các chính trị gia đã không biết tận dụng sự đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và văn hóa để đưa Malaysia tiến bước. Trái lại, họ đã sử dụng những yếu tố này để tranh thủ, lôi kéo cử tri, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Trong khi đó, Singapore - nước láng giềng gẫn gũi với Malaysia - đã có cách hành xử hoàn toàn khác.

Lãnh đạo các đảng phái tại quốc đảo này thống nhất quan điểm coi sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo hay sắc tộc là sức mạnh giúp đất nước đi lên. Các chính trị gia ở đó không sử dụng chiêu bài sắc tộc hay tôn giáo hẹp hòi để kiếm phiếu bầu.

Mặc dù cạnh tranh với nhau, song các đảng phái ở Singapore coi sự phát triển chung của đất nước là trên hết. Họ không được phép khai thác sự khác biệt giữa các cộng đồng dân cư để kiếm phiếu. Ngược lại, họ rất thành công khi khuyến khích và biết tận dụng những lợi thế mà sự đa dạng xã hội có thể mang lại.

Còn tại Malaysia, một đất nước có các điều kiện hoàn toàn ngang bằng, nếu không muốn nói là hơn hẳn Singapore về mọi mặt, từ vị trí địa lý, diện tích, dân số, tài nguyên..., các chính trị gia sau hơn 60 năm lập quốc vẫn như vậy, không có nhiều thay đổi. Họ vẫn mải miết chơi “trò chơi chính trị” để đấu đá lẫn nhau, sử dụng quân bài tôn giáo, sắc tộc để kiếm phiếu bầu.

Hệ quả là sự chia rẽ trong dân chúng không những không được thu hẹp mà còn có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua, thể hiện ở một loạt vụ bê bối trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa.

Và kết quả tất yếu, Malaysia không đạt được những mục tiêu đã đề ra, nổi bật nhất là việc thừa nhận mục tiêu “Malaysia tầm nhìn 2020” đã phá sản.

Xét chung, sự phát triển về mọi mặt của Malaysia thấp hơn rất nhiều khi so sánh với Singapore.

Bài báo kết luận: Trong nhiều thập kỷ qua, chính trị không mang lại nhiều tiến bộ và phát triển cho Malaysia. Các chính trị gia chỉ biết lợi dụng các vấn đề nhạy cảm để giành phiếu bầu. Chính trị chính là yếu tố đã kéo sự phát triển và tiến bộ của đất nước xuống bùn lầy.

Thật không may, Malaysia lại chọn cách chia rẽ người dân và cho phép xung đột xuất phát từ khác biệt được diễn ra, dẫn đến việc hủy hoại niềm tin giữa các cộng đồng, kích động thù hận, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và cuối cùng là kéo tụt sự phát triển và tiến bộ của cả đất nước. Điều này giải thích tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy trong phát triển và tiến bộ giữa Singapore và Malaysia.

Nếu Malaysia không đi theo hướng mà các chính trị gia đã lựa chọn, có lẽ đất nước này sẽ không phải đối mặt với những mâu thuẫn, xung đột, cãi vã... như những gì đã và đang xảy ra gần đây.

Theo kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm Merdeka, có đến 61% người Malaysia được hỏi cho rằng đất nước đang đi sai đường.

Bên cạnh đó, có đến 62,8% người Mã Lai bản địa, 59,5% người gốc Hoa và 59,4% người gốc Ấn đang cảm thấy lo lắng về nền kinh tế của đất nước. Vậy mà, các chính trị gia Malaysia vẫn mải miết với “trò chơi chính trị” của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục