Trò chơi điện tử huyền thoại Pac-Man đón sinh nhật lần thứ 40

Ngày 22/5 đánh dấu kỷ niệm 40 năm sự xuất hiện của Pac-Man, nhân vật video game này là "anh chàng" trông có hình dạng của một chiếc bánh pizza bị khuyết một miếng.
Trò chơi điện tử huyền thoại Pac-Man đón sinh nhật lần thứ 40 ảnh 1(Nguồn: theguardian.com)

Cách đây 40 năm, một trò chơi điện tử được lấy tên theo nhân vật chính là Pac-Man đã xuất hiện tại Tokyo và nhanh chóng trở thành hiện tượng sau đó khi được đánh giá là trò chơi thành công nhất mọi thời đại trong thế giới trò chơi arcade (máy chơi điện tử "xèng").

Ngày 22/5 đánh dấu kỷ niệm 40 năm sự xuất hiện của Pac-Man, nhân vật video game này là "anh chàng" trông có hình dạng của một chiếc bánh pizza bị khuyết một miếng, luôn tạo ra những âm thanh "xoành xoạch" khi di chuyển ăn hạt và thu thập thức ăn trong mê cung, đồng thời tránh khỏi sự truy đuổi của 4 con ma có tên Blinky, Pinky, Inky và Clyde.

Đối với mỗi người chơi Pac-Man, chắc hẳn điều thích thú nhất là khi nhân vật này lấy được "viên sức mạnh," giúp Pac-Man có khả năng ăn các kẻ địch trong một thời gian ngắn.

[Trò chơi điện tử về virus corona "gây sốt" cộng đồng mạng]

Khi đó, kẻ địch sẽ chuyển sang màu lam, di chuyển chậm lại và chạy trốn khỏi Pac-Man.

Điểm số cao nhất của trò chơi này là 3.333.360 điểm do người chơi có tên Billy Mitchell ở bang Florida (Mỹ) ghi được vào ngày 3/7/1999 ở trình độ 255, trước khi chuyển sang trình độ 256 - vốn được coi là bài chơi cuối cùng.

Ban đầu, trò chơi điện tử "huyền thoại" này có tên Puck-Man, song đã được đổi tên thành Pac-Man cho phiên bản phát hành tại Mỹ để ngăn chặn những kẻ xấu cố tình phát âm từ "P" sang "F."

"Cha đẻ" của trò chơi này, ông Toru Iwatani, đã nghĩ ra ý tưởng về hình dạng của "người anh hùng" đáng yêu này khi lấy một lát bánh pizza và nhận thấy phần còn lại của chiếc bánh trông giống như một cái miệng đang mở.

Ngoài ra, việc Pac-Man lấy được viên thuốc và chuyển trạng thái sang tấn công kẻ địch được lấy ý tưởng từ loạt phim hoạt hình Popeye, khi nhân vật chính của bộ phim này chỉ có thể tấn công kẻ địch của mình là Bluto sau khi ăn rau chân vịt.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Wired hồi năm 2010, ông Iwatani cho biết ban đầu trò chơi này hướng đến đối tượng phụ nữ và các cặp đôi, vốn là người hâm mộ của những trò chơi điện tử xèng vào thời điểm đó.

Phiên bản đầu tiên của trò chơi được đặt tại một rạp chiếu phim ở quận Shibuya thuộc thủ đô Tokyo nhằm đánh giá mức độ thu hút của nó đối với khách hàng mục tiêu.

Trò chơi đã đạt được thành công khi những người phụ nữ và các cặp đôi tỏ ra rất hào hứng với sự xuất hiện của Pac-Man.

Pac-Man sau đó còn được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là trò chơi điện tử bằng xèng thành công nhất mọi thời đại.

Các biến thể của trò chơi này như "Pac'n Roll," "Ms. Pac-Man," "Pac-in-Time" và "Pac Panic" sau đó trở thành "những con gà đẻ trứng vàng" cho hãng phát hành Bandai Namco, nhà phát triển và sản xuất video game hàng đầu Nhật Bản.

Sinh nhật lần thứ 40 của Pac-Man được kỷ niệm bằng một hashtag đặc biệt trên mạng xã hội Twitter tại Nhật Bản.

Nhiều người hâm mộ trò chơi trên khắp thế giới cũng đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới nhân vật anh hùng vốn đã trở thành huyền thoại đối với tuổi thơ của rất nhiều người này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục