Trò nghèo Quảng Bình đỗ thủ khoa ĐH Y-Dược Huế

Xóm nhỏ Xuân Lai, xã Mai Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) những ngày này như vỡ òa trong hạnh phúc khi hay tin em Dương Đình Đức đỗ thủ khoa.
Xóm nhỏ Xuân Lai, xã Mai Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) những ngày này như vỡ òa trong hạnh phúc khi hay tin em Dương Đình Đức - cậu học trò nghèo của xã đỗ thủ khoa khối A Trường đại học Y - Dược Huế với 28 điểm và là á khoa khối B của Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngôi nhà nhỏ bình dị của gia đình em Đức tối đến lại rộn ràng, vui vẻ hẳn. Niềm vui sướng và tự hào luôn chan hòa trên từng gương mặt của mỗi người thân trong gia đình Đức với những cái bắt tay, xoa đầu ấm tình làng xóm của người dân quê lam lũ nơi đây dành tặng tân thủ khoa Dương Đình Đức.

Sớm ý thức được gia cảnh

Vẫn trong bộ đồ đồng phục của một cậu học sinh cấp 3, dáng vẻ hiền lành thư sinh, Đức rụt rè chia sẻ chuyện gia đình và con đường chinh phục đỉnh cao tri thức của mình.

Đức là con út trong một gia đình khó khăn, không ruộng đất canh tác. Mẹ Đức là cô Cái Thị Giữa bị bệnh khớp đã lâu, vì không có điều kiện chữa trị kịp thời nên bệnh ngày càng nặng và nằm liệt một chỗ, không có khả năng lao động. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào đồng lương hưu ít ỏi của chú Dương Đình Luyện - ba em Đức.

Cuộc sống chật vật là thế nhưng những người cha người mẹ kiên cường ấy vẫn luôn động viên các con cái học hành. Thương ba mẹ, bốn anh em Đức luôn tự bảo nhau phải chăm chỉ học hành, cố gắng tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để giảm gánh nặng cho gia đình. Ngay cả sách học, mấy anh em Đức cũng mượn sách cũ của anh chị lớp trước trong xóm về học hoặc photo lại cho rẻ.

Năm học 2010, Đức thi đỗ vào lớp chuyên Toán của Trường Trung học phổ thông Chuyên Quảng Bình (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Trọ học xa nhà, cầm từng đồng bạc thấm đẫm mồ hôi của ba và sự kỳ vọng của mẹ, cậu học trỏ nhỏ Dương Đình Đức bắt đầu làm quen với cuộc sống tự lập.

Đức chia sẻ: “Ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nghèo khó nên em tự nhủ là phải lo mà học cho tốt. Em tự chăm lo cho bản thân, tự sắp xếp việc học hành một cách khoa học, hợp lý để đảm bảo hiệu quả học.”

Ẩn đằng sau dáng vẻ thư sinh “trói gà không chặt” của cậu học trò nghèo Dương Đình Đức là cả một nghị lực sống, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Đức luôn khiến bạn bè, thầy cô nể phục bởi thành tích học tập mà em đạt được.

Năm lớp 9, Đức đạt giải nhì cấp tỉnh môn giải toán trên máy tính Casio, giải Ba giải toán qua mạng và giành Huy chương Bạc môn giải toán qua mạng kỳ thi cấp quốc gia.

Năm lớp 11, tại kỳ thi vượt cấp chương trình toán lớp 12, Đức giành giải Ba toàn tỉnh. Năm học lớp 12, Đức lại ghi thêm vào bảng thành tích của mình với giải nhì môn toán và giải nhất giải toán trên máy tính Casio. Đặc biệt, suốt 12 năm học, Đức luôn là học sinh giỏi.

Thầy giáo Nguyễn Văn Vĩnh, Giáo viên Chủ nhiệm lớp 12 Toán, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quảng Bình - người trực tiếp bồi dưỡng toán cho Đức cho biết: “Dương Đăng Đức là một học trò hiền lành, trầm tĩnh và rất nghiêm túc trong việc học. Đức luôn học giỏi đều các môn. Đặc biệt, Đức rất có năng khiếu về môn toán, tư duy tốt, chịu khó tìm tòi những cách giải hay, nhạy bén trong giải quyết vấn đề mà bài toán nêu ra.”

Chia sẻ về những bí quyết học tập, Đức cho biết: “Học ba môn toán, hóa và sinh là niềm say mê với em từ khi còn nhỏ. Ngoài tập trung nghe giảng ở lớp, em còn tìm hiểu nghiên cứu thêm sách tham khảo, sách nâng cao, tìm kiếm các bài toán trên mạng rồi tự giải để tìm ra những cách giải mới; cố gắng làm nhiều bài tập để nhớ các dạng đề.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi đại học, tháng 12/2011, em đứng ra lập trang Facebook có tên “Nào cùng ôn thi” (Hội các học sinh ôn thi khối B) và đã thu hút được hơn 1.000 thành viên tham gia. Ở đây các bạn giúp nhau chia sẻ những vấn đề trong học tập cũng như trong cuộc sống rất tốt”.

Hàng tháng, sau những ngày học căng thẳng ở trường, Đức lại vượt một quãng đường dài hơn 50km từ thành phố Đồng Hới về Lệ Thuỷ thăm nhà và giúp đỡ gia đình (chăm nuôi gà, trồng rau...). Gia đình càng nghèo khó bao nhiêu thì nghị lực và ý chí “chinh phục đỉnh cao của tri thức - đó là con đường duy nhất” với Đức lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Mong ước chữa bệnh cứu người

Khi được hỏi lý do chọn thi ngành Dược, Đức hồ hởi cho biết ngay từ nhỏ, qua tivi, sách báo được thấy những người thầy thuốc khoác trên mình tấm áo blouse chữa bệnh cứu người, em rất xúc động.

Lớn lên chút nữa, thấy nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có thuốc điều trị và không ít người phải chịu đau đớn vì không có tiền để chữa bệnh. Vì thế, mong ước làm được điều gì đó để giúp đỡ mọi người và quyết tâm trở thành một dược sĩ điều chế thuốc cứu người càng trở nên mãnh liệt trong em.

Vẻ mặt trầm ngâm, Đức tậm sự: “Gần 20 năm qua, từ ngày mẹ bị bệnh khớp hành hạ và phải nằm một chỗ, từng bữa cơm, quyển sách và cả những tấm áo mới của bốn anh em em đều do một mình ba gánh vác. Bao lần em chứng kiến cảnh mẹ đau đớn, vật vã vì bệnh tật, nhìn thấy cái dáng còm nhom, khắc khổ của ba mà thương. Đây cũng là một trong những lý do em chọn thi ngành dược.”

Ngày Đức đi thi đại học cũng là lúc bệnh tình của mẹ em nặng hơn. Người mẹ bất lực nằm trên giường bệnh nhưng ánh mắt vẫn sáng rực lên niềm tin tưởng và kỳ vọng vào đứa con trai bé bỏng của mình.

“Mẹ chính là động lực để em thực hiện ước mơ của mình. Danh hiệu thủ khoa và á khoa này cũng chính là món quà em muốn dành tặng ba mẹ - những người đã hy sinh cuộc đời mình vì con cái” - Đức cho biết thêm.

Suốt gần một tháng qua, bố Đức phải ra Hà Nội chăm sóc mẹ em đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Vừa tiêm thuốc xong, người mẹ trong cơn bạo bệnh không giấu nỗi niềm hạnh phúc khi hay tin con đỗ đầu đại học.

Qua điện thoại, mẹ Đức vẫn cố gắng chia sẻ niềm vui với chúng tôi trong hơi thở mệt nhọc: “Hôm đi thi về, Đức gọi điện tâm sự với mẹ, chỉ cầu mong đỗ đại học. Giờ nó đỗ thật rồi, ước nguyện của Đức đã thành công một nửa rồi. Đức luôn là người con ngoan, là mẹ tôi rất tự hào về cháu.”

Trong cảm xúc của niềm vui, chúng tôi vẫn cảm nhận được những lo lắng mà ba của Đức đang âm thầm chịu đựng: “Mấy năm qua, được sự giúp đỡ của bà con lối xóm, tôi cũng gắng gượng lo cho 2 đứa học xong đại học và một đứa đang học đại học Kinh tế Đà Nẵng. Bây giờ Đức đậu đại học nữa tôi cũng vui lắm nhưng gánh nặng cơm áo, gạo tiền, chi phí sinh hoạt gửi hàng tháng cho các cháu cứ tăng dần lên! Hai đứa đầu mới đi làm cũng không nuôi đủ bản thân, việc thuốc thang điều trị bệnh cho vợ cũng rất khó khăn. Thú thực, tôi đang lo nhưng vẫn cố động viên không để các cháu biết, sợ chúng nó buồn…”.

Chia tay chúng tôi, Đức bùi ngùi cho biết: “Đậu đại học em vui lắm nhưng thấy lo lo vì có quá nhiều khoản chi phí ban đầu cho việc nhập học và duy trì việc học trong suốt mấy năm trời ở thành phố lớn, lại đắt đỏ như Huế hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc phải cố gắng học thật giỏi, vào đại học rồi em sẽ kiếm việc làm thêm để ba đỡ khổ và mẹ bớt lo. Dù khó khăn thế nào em cũng sẽ không bao giờ từ bỏ ước mơ. Em sẽ trở thành một thầy thuốc giỏi để chữa bệnh cứu người. Nhất định là như thế!”./.

Võ Thị Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục