Trở thành “Doanh nghiệp bền vững” là đích đến của doanh nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Doanh nghiệp bền vững” mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực; cơ hội kinh doanh mới qua việc tăng lòng tin với đối tác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều lần nhấn mạnh, trở thành “Doanh nghiệp bền vững” không chỉ là đích đến mà còn là hành trình dài mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực mỗi ngày để thay đổi chính mình, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp và cho cộng đồng xã hội.

Danh hiệu này cũng mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội được nâng cao uy tín, thương hiệu, thu hút nguồn nhân lực; cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, nhà đầu tư và cổ đông. Từ đó, góp phần vào việc phát triển kinh doanh theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

“Doanh nghiệp bền vững” là một trong những danh hiệu đáng tự hào mà mỗi doanh nghiệp Việt Nam đều đang hướng đến.

Chính phủ, các bộ, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp cùng các tổ chức xã hội đều ghi nhận và đánh giá rất cao những nỗ lực của không ít doanh nghiệp đang ngày, đêm nghiên cứu, đổi mới quy trình hoạt động sản xuất, gia công, chế biến…

Qua đó, không chỉ thúc đẩy năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho người lao động mà còn chung tay, góp sức vào những nỗ lực chung để gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Chỉ mới vài năm phát động, chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và cũng đã có không ít doanh nghiệp tiên phong với những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, không chỉ gồm những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính và trình độ, năng lực quản trị hiện đại mà kể cả những doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp khởi nghiệp...

Với mục tiêu vinh danh và khen thưởng các doanh nghiệp phát triển bền vững; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững doanh nghiệp, của cộng đồng cũng như của xã hội; thúc đẩy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững…, Chương trình Phát triển bền vững và Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đã được triển khai hiệu quả và đang dần được nhân rộng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh của trong cộng đồng doanh nghiệp.

Từ ngành chăn nuôi, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống đến các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giấy, hàng may mặc, giày dép, thiết bị y tế, dược phẩm, nhựa…, cùng nhiều ngành thương mại, dịch vụ như ngân hàng, vàng bạc, chứng khoán, bảo hiểm, công nghệ…. đều có những doanh nghiệp bền vững được vinh danh trong bảng vàng.

[Vinh danh các doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc nhất 2019]

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững nhận định, một trong những cách thức để doanh nghiệp đạt được dấu mốc là "Doanh nghiệp bền vững" chính là việc chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đây là mô hình tăng trưởng liên hoàn mà nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi. Qua đó, hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên vật liệu. Đồng thời, kiến tạo và tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm, thành phẩm, bán thành phẩm của quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Lộc khẳng định tính hiệu quả và ưu việt của các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế ở mỗi quốc gia được tăng trưởng đồng đều, bền vững hơn so với mô hình kinh tế truyền thống.

Thực tế cho thấy đứng trước các cơ hội thị trường từ ứng dụng kinh tế tuần hoàn trị giá 4.500 tỷ USD như dự báo của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều động thái tích cực để thúc đẩy việc ứng dụng loại hình này trên cả nước.

Điển hình của việc chuyển đổi từ tư duy kinh tế đến hành động sản xuất theo hướng bền vững chính là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giấy Lee&Man Việt Nam. Đây là doanh nghiệp sản xuất giấy lớn.

Hiện nay, ngành sản xuất tái chế phế liệu, tái chế giấy là hoạt động được khuyến khích phát triển trên thế giới và cũng được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành tái chế giấy phát triển mạnh ở các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Bỉ, Austria, Thụy Điển… Bởi nhiều nghiên cứu đã cho thấy, sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, góp phần tiết kiệm tài nguyên, tạo ra năng lượng tái tạo.

Trở thành “Doanh nghiệp bền vững” là đích đến của doanh nghiệp ảnh 1Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Để có thể đạt tỷ lệ sản xuất giấy tái chế tới 99% như hiện nay, Lee &Man Việt Nam đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đa phần máy móc thiết bị đều nhập khẩu từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, nhất là ở các khâu như xử lý chất thải để đạt mục tiêu phát triền bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Patrick Chung, Tổng Giám đốc Lee&Man Việt Nam cho hay, đã tới lúc, Việt Nam cần nhìn nhận rác thải như một nguồn “tài nguyên thứ cấp” cần tái tận dụng chứ không phải thứ vứt đi, gây lãng phí và tăng áp lực lên môi trường như hiện nay. Trong ngành giấy, giấy phế liệu là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất vì mục tiêu tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp nhận thức rằng, sản xuất từ nguyên liệu tái chế là bước cải biến quan trọng trong việc sử dụng nguyên vật liệu ở các ngành sản xuất hiện đại. Điều đó không chỉ vừa giúp doanh nghiệp vận hành theo cơ chế của nền kinh tế tuần hoàn mà vừa mang lại những lợi ích thiết thực cho môi trường.

Chia sẻ cách làm, ông Patrick Chung cho biết không chỉ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tái chế từ giấy để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp còn tập trung đầu tư cho hệ thống xử lý thải để giải quyết những vướng mắc về môi trường. Đối với doanh nghiệp, đây không chỉ là mấu chốt quan trọng của chiến lược phát triển bền vững mà còn là cách thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.

“Mỗi năm, Lee&Man đã chi hàng triệu USD cho việc xử lý chất thải gồm nước thải sản xuất, sinh hoạt, chất thải rắn, khử ồn, khử mùi… Nếu năm 2018, Lee&Man đã đầu tư gần 7 tỷ đồng cho hạng mục khử mùi ở nhà máy xử lý nước thải, hơn 25 tỷ đồng cho trang thiết bị hiện đại của nhà máy, năm nay, tiếp tục nhập một đợt máy mới trị giá 20 tỷ đồng và chi phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải hơn 6,7 tỷ đồng.

"Với những hành động rất cụ thể và thiết thực, doanh nghiệp muốn khẳng định, sẽ không bao giờ đánh đổi môi trường vì bất cứ mục tiêu phát triển hay sản xuất,” ông Patrick Chung cho hay.

Có thể thấy rằng, đã có sự thay đổi to lớn về nhận thức trong doanh nghiệp về tư duy, cách làm, định hướng và mục tiêu phát triển; đồng thời, doanh nghiệp cũng đã có những thể hiện bằng hành động cụ thể cho thấy quyết tâm hướng tới sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo và nâng cấp doanh nghiệp nhắm tới phát triển bền vững, các cơ quan chức năng xây dựng những khuôn khổ pháp lý phù hợp để khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện Báo cáo phát triển bền vững hàng năm trong quá trình sản xuất kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục