Trồng bù rừng ở Hà Giang: Doanh nghiệp phớt lờ, nợ phí gần 21 tỷ đồng

Mặc dù, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp trồng bù rừng, thế nhưng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc trồng rừng theo phương án đã đề ra.
Trồng bù rừng ở Hà Giang: Doanh nghiệp phớt lờ, nợ phí gần 21 tỷ đồng ảnh 1Chuyển đổi rừng để khai thác mỏ ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Mai Mạnh/Vietnam+)

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp “quên” nghĩa vụ trồng bù rừng sau khi chuyển đổi rừng để phát triển các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp liên quan thực hiện. Thế nhưng, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc trồng rừng theo phương án đã đề ra.

Doanh nghiệp “phớt lờ” nghĩa vụ của mình

Theo báo cáo số 72/BC-CCLN của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang về diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và kết quả trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 556.723,4ha, trong đó rừng đặc dụng gần 51.000ha, rừng phòng hộ hơn 255.000ha, còn lại là rừng sản xuất.

Từ năm 2006 đến tháng 8/2015, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, sản xuất sang hoạt động khai thác thủy điện và khoáng sản với diện tích hơn 1.800ha. Trong đó, giai đoạn 2006-2009 chuyển đổi hơn 1.300ha (trong đó rừng phòng hộ 1.296,7ha), giai đoạn 2010-2012 chuyển đổi hơn 230ha (trong đó rừng phòng hộ 21,5 ha); giai đoạn 2013-2015 chuyển đổi hơn 272ha.

Từ những thông tin trên, căn cứ Quyết định số 829/ QĐ-BNN-TCLN ngày 23/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 886/QĐ- UBND ngày 8/5/2014 về việc giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế năm 2014-2015 cho 24 doanh nghiệp, tổ chức có dự án chuyển đổi rừng, với tổng diện tích trồng rừng thay thế là 841,12ha (trong đó năm 2014 là 680,12ha, năm 2015 là 160,7ha).

Tiếp đó, tại Quyết định số 2772/ QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế năm 2015 cho 11 doanh nghiệp, tổ chức có dự án chuyển đổi rừng, với tổng diện tích trồng rừng thay thế là 439,76ha. Ngoài ra kế hoạch tỉnh giao, có 7 doanh nghiệp tự chủ động thực hiện xây phương án trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 290,03ha.

​Ông Vũ Ngọc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành làm việc với các công ty thủy điện, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản... để tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải lập phương án và tiến hành trồng rừng thay thế.

Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo (25/8), hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc trồng rừng theo phương án và kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao. Thậm chí không thực hiện, cũng không báo cáo. Trong đó, Công ty Thủy điện Tuyên Quang (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) có diện tích chuyển đổi rừng lớn nhất, với 540,7ha nhưng hiện nay chưa lập phương án.

Trồng bù rừng ở Hà Giang: Doanh nghiệp phớt lờ, nợ phí gần 21 tỷ đồng ảnh 2Tan hoang nhiều khu rừng sau chuyển đổi. (Ảnh: Mai Mạnh/Vietnam+)

Kiến nghị đóng cửa các khu mỏ, công trình thủy điện chây ỳ

Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang, đến cuối tháng ​Tám vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 26 dự án được phê duyệt trồng rừng thay thế với tổng diện tích 580,07ha, tuy nhiên chỉ có hai công ty nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng với tổng số tiền là hơn 364 triệu đồng. Trong 24 doanh nghiệp còn lại, chỉ có 15 đơn vị lập phương án trồng rừng với diện tích 374,24ha (đạt 64,52% diện tích phương án đã duyệt).

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra chất lượng trồng rừng, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Hà Giang nhận định, chất lượng trồng rừng của các doanh nghiệp còn thấp, tỷ lệ cây sống chỉ đạt 30-40%. Nguyên nhân chính là do các công ty không thường xuyên kiểm tra đôn đốc chủ nhận khoán tiến hành chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng thay thế đã trồng. Thậm chí, một số đơn vị có trồng nhưng không đúng với phương án đề ra.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc, hiện nay công ty này đã có phương án trồng khoảng 30,7ha rừng thay thế, trong đó đã trồng được 15,7ha vào năm 2014, còn lại 15ha đang thực hiện. Công ty cũng đã ký kết hợp đồng với hai doanh nghiệp trên địa bàn để trồng và chăm sóc.

Thế nhưng, tại khu vực thôn Hạ Sơn (thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) - nơi Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc tiến hành thuê doanh nghiệp trồng rừng thay thế, các giống cây họ chọn để trồng lại, phần lớn là cây keo, cây quế, những loại cây trồng để phát triển kinh tế chứ không phải cây bản địa. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế ở Hà Giang.

Điều đáng nói là, không chỉ không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trồng rừng thay thế mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp liên quan đến thủy điện còn đang nợ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền lên đến hang chục tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo VietnamPlus, ông Đinh Xuân Lượng, Giám đốc Quỹ bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp liên quan đến thủy điện còn đang nợ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền lên đến gần 21 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty cổ phần Bitexco Nho Quế (Thủy điện Nho Quế III) nợ hơn 9 tỷ đồng…

Trước thực tế trên, ông Vũ Ngọc Hùng cho biết, Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang đã kiến nghị rà soát chi tiết vùng quy hoạch khai thác khoáng sản, đối với các dự án chiếm diện tích rừng lớn cần phải xem xét, đánh giá cẩn trọng, cần thiết không đưa vào quy hoạch, đồng thời kiểm tra các dự án khai thác ảnh hưởng đến môi trường, nhất là tài nguyên rừng.

Ngoài ra, Chi cục Lâm nghiệp Hà Giang cũng đề nghị kiểm tra, đánh giá các hoạt động khai thác khoáng sản có ảnh hưởng đến môi trường, nhất là tài nguyên rừng. Không cấp mới và cho phép mở rộng diện tích khai thác ảnh hưởng đến tài nguyên rừng; xử lý mạnh, kiến quyết thu hồi, đóng cửa đối với các mỏ chây ì, không thực hiện các nghĩa vụ trồng rừng thay thế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục