Trông đợi gì từ quyền lực châu Âu mới sau các cuộc bầu cử?

Kết quả bầu cử châu Âu vừa qua đã mang đến nhiều điều bất ngờ: Làn sóng xanh có thể tạo ra một sự chia rẽ mới ở châu Âu, sự suy yếu của các đảng chính thống.
Trông đợi gì từ quyền lực châu Âu mới sau các cuộc bầu cử? ảnh 1Cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ở Rome, Italy ngày 26/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview, kết quả bầu cử châu Âu vừa qua đã mang đến nhiều điều bất ngờ: Làn sóng xanh có thể tạo ra một sự chia rẽ mới ở châu Âu, sự suy yếu của các đảng chính thống và mức độ bỏ phiếu cao hơn dự kiến ở khắp châu lục.

Ngay sau kết quả sơ bộ, hai nhóm liên minh lớn trước đó - Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ (S&D) - đã không giữ được thế đa số và bây giờ cần tới sự ủng hộ của Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) và đảng Xanh.

Nhưng người ta cần xem xét chi tiết kết quả ở cấp quốc gia: Những người thuộc đảng Xã hội làm tương đối tốt ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan, còn những người thuộc đảng Bảo thủ thể hiện tốt ở Hy Lạp và Áo.

Các nhóm chính trị đang phát triển và ba vấn đề đang diễn ra: Thứ nhất, điều gì sẽ xảy ra sau Brexit (vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu-EU) và sự ra đi của 73 nghị sỹ Anh trong Nghị viện châu Âu (EP)? Họ là khởi nguyên của hai nhóm trên tại Nghị viện, đặc biệt là châu Âu vì Tự do và Dân chủ Trực tiếp do Nigel Farage làm chủ tịch, nơi Phong trào Năm Sao của Italy cũng có mặt.

[EC công bố dự thảo ngân sách Liên minh châu Âu năm 2020]

Các câu hỏi hiện nay xoay quanh tương lai của phong trào Italy này sau khi ông Nigel Farage và các thành viên trong nhóm của ông ra đi.

Vấn đề thứ hai, được thảo luận nhiều ở Pháp là vai trò tương lai của ALDE khi ông Emmanuel Macron rõ ràng đã đặt cược họ trở thành những nhân vật chủ chốt trong Nghị viện: Quả thực, mặc dù đảng của ông về thứ hai sau đảng Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen, nhưng nó vẫn có một vai trò quyết định trong Nghị viện bởi việc thiếu đa số hoạt động.

Cuối cùng, trong khi đảng EPP mất 42 ghế, nhưng vẫn là nhóm đứng đầu với 179 ghế. Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nhóm EPP mới và Nghị viện, bất chấp việc Fidesz, đảng của ông hiện bị EPP đình chỉ kể từ tháng 3/2019 do việc ông này thiếu tôn trọng luật pháp, quyền tự do và quyền của các dân tộc thiểu số.

Bà Marine Le Pen đã kêu gọi cả hai thành lập một liên minh chống châu Âu, nhưng ông Viktor Orban cảm thấy gần gũi hơn với Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini. Liệu ông Orban có ở lại trong EPP hay không?

Trái ngược với những người Brexit, ông luôn nói rõ rằng ông không muốn rời khỏi EU nhưng sẽ làm cho nó chuyển biến từ bên trong bằng cách gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về các chủ đề quan trọng như di cư chẳng hạn.

Giới bình luận về các vấn đề châu Âu ngay lập tức chỉ ra sự chia rẽ của EP mới và nguy cơ bị tê liệt, nhưng thực sự có lẽ EP đang đại diện nhiều hơn cho các quan điểm khác nhau ở châu Âu và sự mong muốn của công dân châu Âu về những quan điểm được bày tỏ và được bảo vệ.

Tác động của những sự kiện này hy vọng sẽ là sự xuất hiện của sức mạnh châu Âu thực sự.

Trước sự trỗi dậy của các đảng phái chống châu Âu trong những năm gần đây, cấu trúc mới này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự bất lực của các thể chế châu Âu khi đối mặt với các vấn đề toàn cầu.

Trong bối cảnh mới này, năng lực và quyền lực có thể đến từ các liên minh đặc biệt đặt trọng tâm vào các vấn đề cụ thể, trong số đó vấn đề môi trường và khí hậu sẽ là quan trọng nhất.

Người ta có thể hy vọng Làn sóng Xanh trong Nghị viện sẽ đảm bảo rằng chủ đề này sẽ là ưu tiêu hàng đầu. Đảng Xanh ghi nhận giành được số điểm cao nhất với 69 ghế trong EP: Họ tăng gấp đôi số điểm ở Đức và về thứ hai sau đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), họ cũng đứng thứ hai ở Phần Lan, đứng thứ ba tại Pháp và Luxembourg, làm rất tốt ở Bỉ và Hà Lan và giành được những ghế đầu tiên ở Ireland trong 20 năm qua.

Làn sóng Xanh dường như bị ngăn lại ở Đông và Nam Âu, nơi họ không giành được bất kỳ chiếc ghế nào. Người ta có thể tự hỏi liệu một sự chia rẽ mới xuất hiện giữa Đông-Nam Âu và Tây-Bắc Âu về vấn đề này hay không.

Nói chung, nhóm đa số ủng hộ châu Âu đã lên tiếng và đó sẽ là lực lượng quyết định trong Nghị viện, giành hơn 500 ghế - trong tổng số 751 ghế - với làn sóng xanh được nhắc ở trên và sự củng cố của ALDE với sự xuất hiện của các nghị sỹ từ đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của ông Macron và đảng Tự do của Anh. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm về dự án châu Âu do có nhiều nhóm ủng hộ châu Âu.

Giờ đây, họ đã được bầu và nắm quyền lực, trách nhiệm của họ là phải cho cử tri thấy sức mạnh châu Âu trông như thế nào và cách giải quyết các vấn đề cấp thiết như công bằng xã hội, bất bình đẳng về kinh tế hay biến đổi khí hậu sẽ ra sao khi cấp quốc gia không còn quy mô phù hợp nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục