Nghề phụ, thu chính

Trồng nấm rơm - nghề phụ nhưng thu chính

Trước đây, bà con thường đốt rơm sau khi thu hoạch, nhưng nay thì rơm hay rạ đều có giá, có khi còn tranh giành nhau để mua.
Sau mỗi vụ lúa, nông dân các huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Tú (Sóc Trăng) lại bận rộn với nghề trồng nấm rơm mà theo nhiều nhà nông ở đây cho là nghề dễ làm, dễ kiếm tiền, tuy làm phụ nhưng lại là nguồn thu chính.

Nhiều hộ nghèo, nhất là những hộ Khmer không đất, ít đất sản xuất ở Sóc Trăng đã gắn bó với nghề này từ nhiều năm, nay đã thoát nghèo, khá giả cũng nhờ nghề trồng nấm rơm này.

Riêng tại huyện Thạnh Trị, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp huyện, diện tích rơm sử dụng trồng nấm sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu đã tăng hơn 3.000ha và từ đầu năm đến nay là hơn 10.000ha. Xã Thạnh Trị, Lâm Tân, Thạnh Tân... hầu như ấp nào cũng có người trồng nấm.

Theo anh Đinh Văn Chung ở ấp Mây Dốc, xã Thạnh Trịnăm nay ngoài thời tiết thuận lợi, năng suất nấm đạt cao hơn thì điều mà nông dân phấn khởi là giá nấm rơm trên thị trường đang ở mức cao hơn vụ trước. Đầu vụ, giá khoảng 8.000-9.000 đồng/kg, nay đã đạt mức trên 10.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 12.000 đồng/kg.

Với diện tích sản xuất lúa 2-3 vụ lúa/năm, thì huyện Ngã Năm, Thạnh Trị hay Mỹ Tú có diện tích canh tác lúa từ 50.000-70.000ha, do đó lượng rơm thu được sau mỗi vụ lúa là rất lớn.

Trước đây, bà con thường đốt rơm sau khi thu hoạch, nhưng khi biết trồng nấm và nghề trồng nấm phát triển thì rơm, rạ đều có giá, có khi tranh giành nhau để mua.

Việc khuyến khích nông dân tận dụng phế phẩm từ cây lúa để trồng nấm cũng đã được các địa phương, ngành chức năng tỉnh khuyến khích, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Qua đó không chỉ giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường nước do rơm thải xuống kênh rạch, đốt đồng khói bụi mà còn mở ra mô hình bền vững giúp cho hộ nghèo không đất, ít đất sản xuất có điều kiện nâng cao đời sống.

Phát triển mạnh nghề trồng nấm còn tạo ra giá trị hàng hóa của mỗi địa phương lên đến vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Gia đình anh Mai Thanh Hùng ở ấp xẻo Gừa xã Mỹ Hương huyện Mỹ Tú cũng như nhiều hộ dân nơi đây, sau mỗi vụ lúa thu hoạch lại tất bật với công việc xuống giống, vô meo nấm rơm vụ hè thu. Với hơn 7ha rơm mua được, anh đã xuống giống 350 chai meo để cấy nấm.

Một năm có 3 vụ sản xuất lúa thì gia đình anh cũng có 3 vụ trồng nấm rơm, mỗi vụ chỉ mất thời gian 1 tháng 20 ngày là đã có lợi nhuận 10-15 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, nghề trồng năm của gia đình anh ít khi anh bị thất bại. Do trồng nấm lâu năm và cho hiệu quả cao, nên nhiều bà con trong ấp Xẻo Gừa quen gọi anh là “Hùng nấm”.

Nghề trồng nấm những năm qua đã góp phần quan trọng cải thiện đáng kể thu nhập của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng. Ngoài các địa phương có truyền thống trồng nấm như Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Tú thì các huyện mới phát triển mạnh nghề trồng nấm phải kể đến là Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách.

Thống kê sơ bộ của cán bộ nông nghiệp tỉnh, ước tính sản lượng lên tới trên 100.000 tấn, tức nguồn thu cũng gần trăm tỷ đồng mỗi năm.

Từ cuối năm 2008 tới nay, thị trường xuất khẩu nấm rơm được mở rộng, xuất khẩu nấm dễ dàng hơn nên giá nấm rơm thương phẩm cũng tăng lên. Nếu như vụ nấm rơm đông xuân 2008-2009, giá nấm tươi mới thu hoạch có lúc được các đại lý thu mua từ khoảng 7.000-8.000 đồng/kg thì vụ nấm hè thu 2009 hiện đang thu hoạch giá được đẩy cao hơn thêm 2.000-3.000 đồng/kg. Nguồn thu của bà con trồng nấm ở Sóc Trăng cũng tăng theo. Làm phụ mà thu chính chính là vậy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục