Trọng tài nữ: Thua thiệt đả nuôi dưỡng đam mê

Trọng tài nữ: Thua thiệt để nuôi dưỡng đam mê

Chị em đi làm nghề trọng tài bóng đá, mang danh “vua bà” rất oai, nhưng còn đáng thương hơn nhiều, kể cả khi so với trọng tài nam.
Cầu thủ nữ đá bóng thiệt thòi thế nào ai cũng biết và cảm thương. Chị em đi làm trọng tài, mang danh “vua bà” rất oai, nhưng còn đáng thương hơn nhiều, kể cả khi so với trọng tài nam.

Hôm nay 8/3, giải vô địch quốc gia nữ sẽ khởi tranh. Ngoài ý nghĩa giải đấu khai mạc đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày mà cả thế giới đàn ông phải “chiều” và nhường nhịn cho phái đẹp, giải năm nay tất cả điều hành trên sân đều do trọng tài nữ.

Ban tổ chức huy động 14 “vua bà”, trong đó sáu trọng tài chính và tám trợ lý - điều chưa có trong tiền lệ, vì trước đây mỗi lần giải vô địch quốc gia nữ thi đấu, Hội đồng trọng tài quốc gia chỉ cho các chị bắt những trận đấu làng nhàng, còn căng thẳng thì đồng nghiệp nam phải nhảy vào điều khiển.

Gọi là Giải vô địch quốc gia nhưng chỉ có sáu đội tham dự, không xuống hạng, đội vô địch chỉ được 80 triệu đồng. Giải đá hai lượt, mỗi lượt 12-15 ngày. Trong khi đó, giải vô địch quốc gia nam kéo dài đến bảy tháng, đồng nghĩa thu nhập của trọng tài nam gấp bội phần.

Chế độ cho một trận ở giải vô địch quốc gia nữ, như năm nay, cũng không đến triệu cho trọng tài chính. Nhưng nữ đá bóng trọng tài vẫn áp lực cao, vẫn đụng độ. Điển hình là cuộc tỷ thí từng gây “sửng sốt” dư luận giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Tây năm nào.

Có lẽ, quan trọng hơn với chị em trọng tài là ngoài tiền bạc, họ đều muốn có được một sân chơi cho mình, cho đam mê và cả những hy sinh thầm lặng của phụ nữ trót mang phận “vua bà”. Cũng như đội tuyển quốc gia nữ (rộng ra là cầu thủ nữ), đến 90 % trong số 24 trọng tài nữ quốc gia (trong đó tám trọng tài chính, 16 trợ lý) hiện nay chưa chồng.

Tuy vậy, chứng kiến nhiều đợt tập huấn, thấy họ cũng nữ tính lắm. Nhìn thái độ lui cui, tất tưởi, rồi dốc sức chạy theo đồng nghiệp nam khi thi thể lực, thấy tội! Cũng chẳng có ưu ái nào. Dường như, các trọng tài nam cũng dồn nhiều sự quan tâm với đồng nghiệp hơn. Họ thừa hiểu chị em có được buổi tập huấn vài ngày là phấn khởi lắm rồi.

Cũng đã từng có những cú “sét đánh” gây “rúng động” giới trọng tài trong quá khứ. Như tiếng tăm trọng tài FIFA Đặng Thanh Hạ và Trợ lý trọng tài FIFA nữ Huỳnh Thị Phung Tiên rất đẹp gái đến từ đất Sài Thành. Tiên vào sân mặc bộ đồ đen trọng tài, tay cầm cái cờ, áo bỏ vào trong đến phóng viên cũng còn mê tít. Nhiều nữ trọng tài khác cũng rất sắc nước, như Mai Hoàng Trang nữa.

Trở lại câu chuyện đất nào cho sự phát triển của “vua bà” ta. Chỉ khi có sân chơi thực sự, những thay đổi  của xã hội, nhất là VFF quan tâm hơn với bóng đá nữ, thì mới hy vọng trọng tài nữ Việt Nam được thiên hạ biết đến.

Thực ra, trọng tài nữ vạch xuất phát cũng đâu thua kém gì nam giới. Như năm 2003, việc nữ Huỳnh Thị Phụng Tiên lần đầu được AFC gọi sang bắt giải vô địch châu Á, thực sự là điểm son cho bóng đá Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2009, trọng tài nữ có bốn người đoạt chuẩn FIFA gồm Mai Hoàng Trang, Công Thị Dung (chính); Kiều Thị Thúy, Lê Thị Hoa (trợ lý). Trang là trọng tài Elite (cao cấp) của châu Á. Năm 2010, đề nghị của Hội đồng trọng tài quốc gia những cái tên sau lên AFC như Mai Hồng Trang, Công Thị Dung (trọng tài chính), Kiều Thị Thúy, Đặng Thị Thu Hà ( trợ lý).

Đến với nghiệp trọng tài, các nữ nhi đã xác định phải thua thiệt đủ bề mới nuôi dưỡng được đam mê./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục