Trọng Tấn: “Con người đau khổ vì mải đeo đuổi những thứ sai lầm"

Trọng Tấn buông con đường thẳng để bước tiếp ở ngã rẽ gập ghềnh hơn bởi với anh, nếu không trở thành nghệ sỹ bằng chính giọng hát và cống hiến sáng tạo tương xứng thì mọi danh hiệu chỉ là danh hão
Trọng Tấn: “Con người đau khổ vì mải đeo đuổi những thứ sai lầm" ảnh 1Ca sỹ Trọng Tấn. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Chưa gặp Trọng Tấn, tôi vẫn mặc định như một kiểu ám thị rằng nghệ sỹ phải nổi loạn, phải mong manh, cô độc… mới ra “chất” nghệ sỹ. Cũng vì không cảm được những chông chênh đó mà lâu nay dẫu chàng có là “Hoàng tử nhạc đỏ” chăng nữa, tôi cũng chẳng thấy đắm đuối.

Mọi sự tò mò có lẽ chỉ đến trước quyết định xin nghỉ dạy ở trường nhạc của Trọng Tấn. Tôi vẫn nhớ sự kiện đã rộ lên chỉ ít lâu sau sự cố về biểu diễn mà Trọng Tấn và Anh Thơ bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đình chỉ biểu diễn, cùng với đó là án kỷ luật của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Công bằng mà nói, chính báo giới đã “thổi” sự kiện đó thành những ồn ào khi tốn khá nhiều giấy mực để mổ xẻ, truy tìm nguyên nhân sâu xa của nó. Nhiều người trong nghề đã... sốc trước quyết định của Trọng Tấn. Bởi gần 60 năm qua chưa từng có tiền lệ nào như thế ở trường nhạc.

Đến người thầy dìu dắt Trọng Tấn như nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên còn “khó thông cảm” bởi với ông đó là quyết định thiên về lợi ích cá nhân. Trước sức ép dư luận, trước những bất mãn, Trọng Tấn chỉ im lặng.

Nhưng Trọng Tấn chẳng biến mất, hay chọn cho mình một sự ẩn mình, chán chường và trốn chạy. Trái lại, người ta bắt đầu thấy tên anh xuất hiện dày đặc hơn, sung sức hơn với những bước "lấn sân" đầy bất ngờ trên sân khấu nhạc nhẹ.

Sức hút Trọng Tấn

"Phát súng" đầu tiên với liveshow nhạc đỏ “Tình ta biển bạc đồng xanh” cùng với Anh Thơ vào năm ngoái được xem là thước đo tình yêu của công chúng. Và, sự can đảm và táo bạo đó đã giúp Tấn tìm được câu trả lời về sự mến mộ của người hâm mộ dành cho mình vẫn đằm đượm bằng một đêm nhạc “cháy vé.”

Không lâu sau đó, người ta đã lại thấy Trọng Tấn được mời đứng chung sân với Tùng Dương trong đêm tình ca "đầy lửa" hồi tháng Năm. Chỉ sau bốn tháng ngắn ngủi, vẫn là Trọng Tấn-trở thành chân dung nghệ sỹ được lựa chọn xuất hiện trong đêm nhạc tôn vinh dấu ấn âm nhạc của chính anh trong chuỗi chương trình In The Spotlight, phiên bản mới cùng khách mời là diva Thanh Lam vào ngày 20/9 tới đây.

Nói về sự kết hợp với “Người đàn bà hát,” Trọng Tấn cho rằng đơn giản cái tên đã đủ trở thành thương hiệu đảm bảo cho đêm nhạc chất lượng và nhiều bất ngờ.

Điểm ra cũng để lý giải cho sự tò mò về sức hút Trọng Tấn với công chúng yêu nhạc. Bởi dễ có mấy ai trong làng nhạc Việt đủ sức hút và sự "biến báo" để không phải lo sợ sẽ đem lại cảm giác bội thực cho công chúng với tần suất dày đặc như thế? Chẳng phải đến như hàng danh ca vẫn phải trả giá về sức hút và doanh thu khi mạo hiểm làm lại show chỉ sau vài tháng đó sao?

Thế nên là ca sỹ, lại thuộc dòng chính thống như Trọng Tấn quả thực là ca… hiếm. Cảm tưởng ngay cả trong những “bầm dập” thì con đường đi của Tấn vẫn xuôi chèo mát mái. Nhưng có lẽ như Trọng Tấn nói đó chỉ là góc nhìn có phần võ đoán của người ngoài cuộc. Dẫu được đồng nghiệp trong nghề cho rằng Tấn được “tổ đãi” bởi lãnh địa nhạc đỏ có biết bao người hát hay, kỹ thuật đáng nể nhưng có mấy ai thành sao như Trọng Tấn. Trong khi nhiều đồng nghiệp vẫn phải đau đáu mưu sinh với nghề hát thì cát-sê của Trọng Tấn chẳng kém một ngôi sao nhạc nhẹ nào. Và hơn thập kỷ qua, có biết bao giọng hát chính ca được phát hiện từ các cuộc thi âm nhạc nhưng tịnh chưa có hiện tượng nào có thể thay thế được ngôi vị “hoàng tử nhạc đỏ.”

Thay vì khiêm nhường, Trọng Tấn sòng phẳng khi nói về mình “Tôi luôn cảm ơn cuộc đời với những gì tôi đã có. Và tôi cũng cảm ơn cuộc đời những gì tôi không có. Nhưng thành công không phải con đường được rải sẵn hoa hồng. Rõ ràng tôi không ngồi yên một chỗ để có những điều đó. Đó là những năm tháng dày công khổ luyện, tôi đã băng qua những khó khăn, vất vả để tồn tại và trụ vững với nghề. Bên cạnh những thành công, đường tôi đi cũng có những thăng trầm, phải đấu tranh và hy sinh để đi đến cùng với nghiệp hát.”

Ít ai biết rằng, con đường đến với âm nhạc của Trọng Tấn khởi từ câu chuyện éo le. Tấn đến với âm nhạc bởi một sự tính toán có chủ đích hơn là đam mê. Ngoài hát Tấn còn biết vẽ. Tấn muốn theo học kiến trúc nhưng vì nhà nghèo, sợ học phí là ghánh nặng với bố mẹ, nên mới vào trường nhạc để được miễn tiền học, dẫu hành trang là số không tròn trĩnh về nhạc lý.

Trọng Tấn: “Con người đau khổ vì mải đeo đuổi những thứ sai lầm" ảnh 2Ít ai biết rằng khởi đầu của "hoàng tử nhạc đỏ" là số không tròn trĩnh về nhạc lý khi bước vào trường nhạc. (Ảnh: Lê Minh Sơn/ Vietnam+)

Trải qua hơn mười năm ca hát, từ giải nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1997, Trọng Tấn bắt đầu có tên nhờ bài hát “Tiếng đàn bầu” cùng giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình 1999. Đến nay với 11 album đã phát hành, có thể nói Trọng Tấn đã có sự nghiệp lẫy lừng mà bất cứ ngôi sao ca nhạc nào cũng mơ ước.

Lại nhớ tại buổi họp báo chuỗi chương trình In The Spotlight độ hai tháng trước, nhạc sỹ Hồng Kiên đã lý giải về sức hút của Trọng Tấn: “Tại sao sau bao nhiêu năm Trọng Tấn vẫn là cái tên quyến rũ với phòng vé? Tôi cho rằng Trọng Tấn mới chính là đỉnh cao của sức sáng tạo. Những ca sỹ dòng chính ca, và trữ tình để duy trì phong độ trong giọng hát và phong cách biểu diễn trong từng đấy năm là rất khó. Tấn hát nhạc đỏ nhưng không khô cứng, trái lại mộc mạc và… tình. Nghe Tấn hát chính ca người nghe có cảm nhận đằm đượm của hơi thở thời đại và chất dân gian gần gũi. Sức hút của Trọng Tấn không chỉ với công chúng nghe nhạc mà còn là lựa chọn số một để song ca với đồng nghiệp-cả nam và nữ. Giọng hát của Trọng Tấn vừa là bức tường kỹ thuật vững chãi vừa đủ sự thăng bằng, thanh thoát trong cảm xúc.”

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả để trả lời cho thắc mắc tại sao Trọng Tấn luôn được các diva, divo nhạc nhẹ tìm đến để “so giọng.”

Tôi nhớ cuộc trò chuyện với Tùng Dương tại buổi tập cho đêm nhạc nhạc Lê Minh Sơn “Cửa thơm mùi nắng.” Dương nói về Tấn sau sự kết hợp của cả hai trong liveshow Tình ca tại Hà Nội với sự cảm mến, trân quý không dễ bắt gặp trong các nhận xét của anh với đồng nghiệp: “Không dễ tìm được người thứ hai ngoài Trọng Tấn để vừa nâng giọng mà vẫn hãm cá tính mạnh như của Dương hay Thanh Lam. Nhưng kỹ thuật là chưa đủ, để có sự kết hợp thăng hoa, đồng điệu trên sân khấu ngoài sự nội lực, bổ khuyết cho nhau còn là tình nghệ sỹ. Điều thúc giục Dương và Trọng Tấn đến với nhau là âm nhạc và cống hiến sáng tạo nghệ thuật. Trọng tấn không nặng nề về cát- sê. Thậm chí nếu đêm nhạc bị rủi ro về doanh thu, anh hoàn toàn thoải mãi không nhận đồng nào. Dương trân quý điều đó ở anh. Thực tế để tìm được người vì nghệ thuật và chơi được như Trọng Tấn giữa showbiz không phải là nhiều…”

Cảm ơn nghịch cảnh

Đi lên từ cái nghèo, Trọng Tấn càng ý thức được giá trị của hạnh phúc khi quan niệm đó là sự chắt chiu từng ngày. Hạnh phúc hiện tại của Trọng Tấn và bà xã khởi từ tình yêu học trò, lúc Tấn chưa là ai. Tấn nói anh là người coi trọng tình cảm và là người không dễ thay lòng đổi dạ. Hỏi Tấn thường xuyên hát đôi với nhiều ca sỹ nữ liệu có những phút xao lòng?

Tấn chiêm nghiệm: “Khi tình cảm vợ chồng đạt đến ngưỡng thân thuộc và tin cậy, có thể nói hết với nhau như tri kỷ thì tự nhiên nó sẽ chống chỉ định với những cảm xúc thoáng qua. Nhiều người nghĩ rằng nghệ sỹ thì sẽ đa tình, có cuộc sống phóng túng để bay bổng, thăng hoa trong nghệ thuật. Nhưng đó chỉ là nghệ sỹ tính. Nhiều nghệ sỹ, minh tinh nổi tiếng nhưng họ có cuộc sống rất bình yên và giản dị.”

Thế nên, Tấn tin với nghệ sỹ nếu có nền tảng cuộc sống cân bằng, vững chãi sẽ có động lực để lao động nghệ thuật được dài hơi hơn.

Trước hạnh phúc riêng được xem là viên mãn như hiện nay bên người vợ trẻ đẹp, tinh tế cùng hai đứa con ngoan và một cơ ngơi đáng để mơ ước với bất cứ ai gồm xe sang, biệt thự vườn hơn 700m2, Tấn bảo, đó không phải là món quà tặng của Thượng đế.

“Nhiều người chẳng chịu làm gì vươn tới cuộc sống mình muốn. Nhiều người hỏi tôi cuộc sống bình yên như thế có nhàm chán không? Tại sao lại thấy chán khi đó là mục đích cuối cùng con người muốn đạt được trong cuộc đời mình? Muốn giữ lòng an nhiên, biết đủ nhưng Tấn không muốn mình bị tắt lửa đam mê, không dám sống với khát vọng. Tấn sợ trạng thái con người ta cứ sống vô thức để mong chờ một điều kỳ diệu nào đó sẽ đến, nhưng trước khi điều đó đến thì cái chết đến,” Tấn chiêm nghiệm.

Ngay cả với những đứa con của mình, Tấn nói tại sao vẫn phải sắp xếp đưa đón các con đi học, cố gắng chắt chiu xây bằng được một ngôi nhà ở quê để tháng một hai lần chở lũ trẻ về sum họp với ông bà? Rồi những ngày Tết, mặc người khác vẫn đi diễn trong, ngoài nước nhưng Tấn dành cho gia đình để đưa các con về quê trong không gian chung cho đại gia đình. Đó đều là sự tính toán của Tấn để giáo dục các con về gốc gác, tổ tiên.

Trọng Tấn: “Con người đau khổ vì mải đeo đuổi những thứ sai lầm" ảnh 3Trọng Tấn bên người vợ mà anh coi là tri kỷ. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Mặc dù giờ bọn trẻ có cuộc sống đủ đầy, nhưng những trải nghiệm được sống ở quê, chơi những trò chơi dân gian, câu tôm ngoài đòng, làm xe bọ xít, chuồn chuồn sẽ làm các cháu thấm thía, cảm nhận được tuổi thơ nghèo, đơn sơ và nỗ lực của bố mẹ. Tấn nghĩ cuộc sống là do chính chúng ta lựa chọn. Và Tấn nghĩ mình đang làm đúng.”

Khi nói về quyết định xin nghỉ dạy ở Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được cho là gây sốc, tôi hoàn toàn tin những gì Trọng Tấn trải lòng. Rằng Tấn không tiếc nuối vì nó đúng với bản thân anh. Nếu quyết định lại, Tấn vẫn sẽ xin nghỉ. Là người nghệ sỹ, cống hiến nào cũng có giá trị của nó vì thế thay vì đa mang, ôm đồm Tấn nghĩ đã đến lúc mình lên quay về để tâm huyết với âm nhạc.

“Trong cuộc sống, tôi luôn cảm ơn những gì đem đến nghịch cảnh cho mình. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành. Nhiều người nghĩ tôi xin nghỉ ở trường nhạc do không chịu được áp lực của án phạt, hay tranh thủ chạy show kiếm tiền… Nhưng, Tấn buông vì chính mình bị kiệt sức. Để dung hòa giữa môi trường chuẩn mực của một công chức và nghề tự do của nghệ sỹ biểu diễn luôn có những rủi ro. Sẽ chẳng ai dám chắc trong một tình thế khác, mình có phạm vào sai lầm lần nữa hay không? Nếu thêm một sai lầm như thế này nữa, Tấn chẳng còn mặt mũi nào bước lên sân khấu. Ngoài giọng hát, nghệ sỹ phải có lòng tự trọng…”

Có những lúc mệt mỏi, cảm thấy mình bị cuốn đi giữa vòng quay công việc, Tấn thầm hỏi chính mình. Mình đang đeo đuổi cái gì? Mình đang sống vì cái gì? "Phải chăng sở dĩ con người khổ sở chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm. Khi tìm hiểu các nghệ sỹ thành danh trên thế giới, Tấn nói anh nghiệm ra rằng nếu không có sự tự do để tự mình sắp xếp, dồn tâm sức thì không thể hoàn thành những hoài bão trong âm nhạc."

Tấn tâm sự về hoài bão trong âm nhạc là làm nên một dấu ấn nghệ sỹ Trọng Tấn trong biểu diễn chứ không phải phải danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, hay nghệ sỹ nhân dân. Tấn buông con đường thẳng, để bước tiếp trên ngã rẽ gập gềnh hơn bởi với anh nếu không trở thành nghệ sỹ lừng lững bằng chính giọng hát và cống hiến sáng tạo tương xứng với danh hiệu cao quý đó thì cũng chỉ là danh hão mà thôi!

Tấn chia sẻ những ý tưởng về một con đường dài với những chương trình âm nhạc trải dài trong năm năm tới. Danh tiếng đã đủ! Sau bao năm đi hát, Tấn đã xây đắp một cuộc sống vững chãi để thực hiện hoài bão muốn được chơi với âm nhạc. Đó là chuỗi đêm nhạc hát cho sinh viên bắt đầu từ cuối năm nay.

“Hát cho sinh viên là mảng Tấn thích vô cùng. Tấn vẫn mơ về những đêm nhạc ngoài sân vận động, không quá bó buộc trong sự kỹ thuật, mà được thỏa sức cháy với những khán giả trẻ. Sau những năm làm nghề, Tấn cũng có nhu cầu được thắp lửa cho tâm hồn mình để tiếng hát bay bổng hơn.”

Bên cạnh đó là dự định dài hơi của Trọng Tấn về chương trình hòa nhạc thật sự ở Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng hoặc dân tộc. Những bài trường ca nổi tiếng của Việt Nam sẽ sống lại trong các đêm đó mà không quá hàn lâm, kinh viện.

Mặc dù để làm những chương trình chất lượng cao như thế không phải nhiều ở Việt Nam. Tất nhiên những chương trình đó không phải để bán vé, mà phải xin tài trợ để trang trải. Tấn cũng đang tính đến tình thế, nếu không xin được tài trợ sẽ cố gắng xoay xở để tự thân để thực hiện.

Giữa khu vườn yên tĩnh, rêu phong tại nhà riêng của Trọng Tấn giữa thủ đô Hà Nội, bên ấm trà mạn thơm xanh, bỗng thấy “ngợp” khi nghe Trọng Tấn say sưa nói về sự chắt chiu, vun vén hạnh phúc riêng và những ý tưởng táo bạo muốn cống hiến cho âm nhạc, hướng tới số đông quần chúng giữa những đủ đầy, viên mãn và đỉnh vinh quang sự nghiệp.

Trọng Tấn: “Con người đau khổ vì mải đeo đuổi những thứ sai lầm" ảnh 4Trọng Tấn chia sẻ ngoài âm nhạc, anh thích đọc sách và chăm sóc cây cối để chiêm nghiệm về cuộc sống hơn là đến những nơi ồn ào... (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Thế nên, tôi không nghĩ Trọng Tấn là người lững thững đi giữa showbiz đầy nhiễu nhương, ảo vọng. Hình dung của tôi về Trọng Tấn thời hiện tại-Gã trai liều lĩnh, bước ngược dòng để tìm lại giấc mơ mang tên mình trong âm nhạc với sự hăm hở, nhiệt thành đã làm tôi đắm đuối…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục