Trồng thâm canh giống khoai tây sạch bệnh

Hải Dương đã xây dựng thành công mô hình thâm canh giống khoai tây Sinora và Marabel hàng hóa sạch bệnh, có hiệu quả kinh tế cao.
Hải Dương đã xây dựng thành công mô hình thâm canh giống khoai tây Sinora và Marabel hàng hóa sạch bệnh, có hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình do Viện Cây lương thực và Cây Thực phẩm Việt Nam chủ trì.

Mô hình góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng và tăng tỷ lệ khoai tây thương phẩm theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình được thực hiện vào vụ Đông tại Hải Dương trên quy mô 30ha ở hợp tác xã Phú Điền, Đồng Lạc (huyện Nam Sách) và Hà Thanh (huyện Tứ Kỳ) với 342 hộ dân tham gia.

Mỗi hợp tác xã trồng 10ha khoai tây Sinora và Marabel tập trung thành vùng, liền thửa.

Để hỗ trợ nông dân, Viện đã tiến hành đào tạo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ một số bệnh hại chính trên cây khoai tây như mốc sương, virus, héo xanh, rệp, nhện đỏ, bọ trĩ và cách giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.

Tiến sĩ Trương Công Tuyện, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm, Chủ nhiệm đề tài cho biết: "Quy trình kỹ thuật thâm canh giống khoa tây Sinora và Marabel cho thấy trồng ở mật độ 5-6 khóm/m2 cho năng suất cao nhất."

Ông cũng cho biết lượng phân bón 1ha khoai tây từ 150kg nguyên chất cho cả ba nguyên tố N, P, K cho năng suất củ tươi 24,63 tấn/ha, bón thúc hai lần cho năng suất cao nhất 22,12 tấn/ha, chọn cỡ củ trên 50gr cho năng suất 22,25 tấn/ha...

Sau 85-90 ngày, hai giống khoai tây Sinora và Marabel thu hoạch cho năng suất cao hơn hẳn giống khoai tây thường. Cỡ củ lớn, vỏ màu vàng, ruột vàng đậm, mắt củ nông, ra củ tập trung và độ dài tia củ ngắn. Năng suất cao nhất từ 22,6-24,5 tấn/ha, cho thu nhập lãi thuần từ 40-44 triệu đồng/ha./.
Trần Tiến Duẩn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục