Trục phía Đông của Nga thay đổi: Một sự cân bằng mới?

Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 cho thấy trục hướng Đông của Nga, từ trước tập trung vào Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi.
Trục phía Đông của Nga thay đổi: Một sự cân bằng mới? ảnh 1Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 5. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trục hướng Đông của Nga, từ trước đến nay vẫn tập trung vào Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã thay đổi.

Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 5 (EEF) tại Vladivostok (Nga) từ ngày 4-6/9 đã thể hiện điều đó.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaagiin Battulga cũng tham dự diễn đàn này.

Ngoài ra còn có các đại diện đến từ Singapore, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Indonesia.

Mục tiêu của Nga tại EEF lần 5

Nga có thể đã đạt được 3 mục tiêu khi triệu tập EEF lần thứ 5: Thứ nhất, diễn đàn năm nay đã phát tín hiệu tới Trung Quốc và phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương rằng Nga đang tích cực tìm cách cân bằng các mối quan hệ mạnh mẽ với Bắc Kinh thông qua việc xây dựng các mối liên kết với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như các nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mặt khác, diễn đàn này cũng là nhằm củng cố ý định trước sau như một của Nga là tăng cường liên kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, EEF lần 5 nhấn mạnh một lần nữa rằng các nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại.

Cuối cùng, EEF lần 5 - vì các lý do chính trị trong nước - là nhằm tái khẳng định tuyên bố được nhắc đi nhắc lại của Tổng thống Vladimir Putin và Chính phủ liên bang Nga rằng sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Viễn Đông Nga (RFE) vẫn là một mục tiêu quan trọng đối với chính phủ, và rằng cả đầu tư ở trong lẫn ngoài nước đều cần thiết, do vậy Nga sẽ thu hút để đạt được mục tiêu đó.

Ấn Độ - trọng tâm trong trục hướng Đông của Nga

Thủ tướng Modi là khách quý của sự kiện. Chuyến thăm của ông tới Vladivostok đã đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn-Nga lần thứ 20.

[Tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Modi ở Viễn Đông]

Cả hai bên cam kết tăng kim ngạch thương mại song phương lên 30 tỷ USD vào năm 2025, so với 11 tỷ USD hiện nay.

Tổng số vốn đầu tư giữa hai nước vào khoảng 30 tỷ USD, trong đó đầu tư của Nga vào Ấn Độ là 18 tỷ USD và đầu tư của Ấn Độ vào Nga đạt 13 tỷ USD. Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 19 diễn ra hồi tháng 10/2018 đã đề ra mục tiêu đầu tư đạt 50 tỷ USD vào năm 2025.

Việc ký kết Lộ trình hợp tác về hydrocarbon giai đoạn 2019-2024 là một bước quan trọng để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.

Ấn Độ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn vào lĩnh vực năng lượng tại RFE.

Điểm nổi bật trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Modi là thông báo của ông về việc Ấn Độ sẽ gia hạn khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD cho Moskva để phát triển RFE.

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ thực hiện một động thái như vậy. Đó cũng là một tín hiệu lạc quan đối với quan hệ Nga-Ấn, vốn đã được củng cố bởi thực tế Ấn Độ là đối tác mua vũ khí chính của Nga (mới đây nhất là hợp đồng Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga trị giá 5 tỷ USD).

Hơn nữa, Ấn Độ rất quan trọng đối với Nga vì quốc gia Nam Á này đóng vai trò cân bằng đối trọng của Moskva trong mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc và Mỹ.

Quan hệ Nga-Nhật

Mặc dù không có sự đột phá trong quan hệ Nga-Nhật tại EEF, nhưng sự tham dự của Thủ tướng Abe lần thứ tư liên tiếp chứng tỏ thành công của Tổng thống Putin trong việc duy trì sự quan tâm của nhà lãnh đạo Nhật Bản để tăng cường sự liên kết (vấn đề gây tranh cãi vẫn là sự thiếu chuyển biến trong tranh chấp ở quần đảo Kuril).

Vì thế, kinh doanh là trọng tâm chính đối với phái đoàn Nhật Bản, phái đoàn đông nhất tại sự kiện này.

Một trong những thỏa thuận lớn nhất là thỏa thuận giữa Novatek và Mitsui & Co. với Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản về dự án Bắc Cực LNG 2. Nhật Bản từ lâu đã là nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng ở RFE.

Làm suy yếu các âm mưu cô lập Nga

Tổng thống Putin đã sử dụng bài phát biểu tại sự kiện này để bày tỏ lập trường của ông về đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga nên trở lại Câu lạc bộ G7 của các quốc gia phương Tây. Nga đã bị đình chỉ tham gia G8 từ năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp vừa qua, Tổng thống Trump đã đề xuất đưa Nga trở lại nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới này.

Có thông tin Thủ tướng Abe đã tuyên bố tại Hội nghị G7 ở Pháp rằng ông ủng hộ Nga trở lại Câu lạc bộ này.

Đây không chỉ là một chiến thắng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin mà quan trọng hơn, việc ông tỏ ý sẵn sàng tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh của G8 với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là một sự tái khẳng định định hướng Âu-Mỹ của Nga không thay đổi.

Đề xuất này được Putin đưa ra mặc dù ông hiểu rằng G7 khó có thể chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, nó mở ra cơ hội cho Nga có thể trở lại câu lạc bộ của thế giới phát triển.

Tác động đến ASEAN

Cam kết của Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN đáng để quan tâm theo dõi.

Chừng nào sự chú ý của Moskva đối với các khu vực này không mất đi động lực và định hướng trung tâm Âu-Mỹ của họ không lấy đi phần lớn hơn trong tổng thể, ASEAN vẫn sẽ được hưởng lợi.

Những số liệu thương mại mới nhất giữa ASEAN và Nga là đáng khích lệ. Kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Nga tăng 18,4%, lên tới 19,8 tỷ USD trong năm 2018.

Hơn nữa, sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga tháng 11/2018, Ủy ban Kinh tế Á-Âu đã ký MOU nhằm thúc đẩy thương mại.

Việc này sẽ tăng cường sự liên kết kinh tế giữa Nga và ASEAN. Quan hệ của Nga với các quốc gia trong ASEAN như Malaysia sẽ giúp Nga và ASEAN nói chung nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới.

Một mối quan hệ như vậy với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, sẽ giúp ASEAN có thêm cơ hội đối phó trong cuộc cạnh tranh ngày càng không thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục