Trump sắp chuyển chiến tranh thương mại sang Đại Tây Dương?

Trong chuyến đi đáng thất vọng tới châu Âu, Tổng thống Mỹ phàn nàn về mối quan hệ thương mại với các đồng minh trên khắp Đại Tây Dương và đang cân nhắc có nên đánh thuế với ôtô nhập từ châu Âu?
Trump sắp chuyển chiến tranh thương mại sang Đại Tây Dương? ảnh 1Ôtô của Tập đoàn Volkswagen và Audi tại một bãi đỗ xe ở Michigan, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng atimes.com, các thị trường một lần nữa lại cân nhắc về câu hỏi liệu một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể đạt được vào cuối tháng này hay không, khi giá cổ phiếu tăng trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 13/11 tại thị trường New York trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Donald Trump đang có chiều hướng đứng về phe chủ trương ủng hộ thương mại tự do trong Nhà Trắng.

Tuy nhiên cùng lúc đó, trong chuyến đi đáng thất vọng tới châu Âu, Tổng thống Mỹ lại phàn nàn về mối quan hệ thương mại với các đồng minh trên khắp Đại Tây Dương, trong khi chính quyền của ông đang cân nhắc có nên đánh thuế đối với ôtô nhập khẩu từ châu Âu hay không.

Người ta có thể được tha thứ khi thấy cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với vấn đề thương mại là khó hiểu. Xét cho cùng, đó là hai cách tiếp cận khác nhau.

Một là chương trình được quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ Robert Lighthizer và đồng minh của ông là Peter Navarro ủng hộ. Còn cách tiếp cận kia nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn Kinh tế Larry Kudlow.

Lighthizer và Navarro là những người kiên quyết ủng hộ chính sách bảo hộ ngành công nghiệp trong nước, những người dự đoán một chính sách đánh thuế lâu dài đối với hàng hóa ngoại nhập sẽ làm hồi sinh các hãng sản xuất, chế tạo của Mỹ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong khi đó, Kudlow và Mnuchin liên tục lên tiếng ủng hộ việc giảm bớt các rào cản thương mại, cho rằng biện pháp thuế của Trump là một chiến thuật thương lượng ngắn hạn để buộc các nước khác mở cửa thị trường và loại bỏ các hoạt động thương mại không công bằng.

Bản thân Trump đã khiến cho thế giới phải đoán ông ủng hộ phe nào vào thời điểm cụ thể nào. Navarro - nhân vật hiện giữ vai trò cố vấn thương mại của tổng thống - đã nói rõ quan điểm ủng hộ chính sách bảo hộ của mình trong một bài phát biểu cuối tuần trước, trong đó ông ca ngợi Lighthizer là đại diện thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ và khẳng định rằng Trump đứng về phía họ.

Ngày 13/11, Kudlow đã nhanh chóng bác bỏ ý kiến đó. Phát biểu với báo giới trước bãi cỏ ở Nhà Trắng, ông khẳng định: "Peter đã phát biểu cực kỳ thiếu chính xác... Ông ấy từng là một nhà báo tự do và ông ta không đại diện cho tổng thống hay chính quyền."

Các bình luận được đưa ra cùng ngày với những thông tin về việc Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Liu He, đã trao đổi với Mnuchin hôm 9/11 và thậm chí có thể sẽ tới Washington trước khi Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires vào cuối tháng này.

[Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn]

Khi xuất hiện cùng lúc, những tin tức đó, ám chỉ quyền hiển nhiên của Kudlow được phát biểu về tình hình đàm phán thương mại với Trung Quốc - công khai chỉ trích Navarro - và những bình luận của Trump rằng một thỏa thuận với Trung Quốc đang được định hình đã mang lại cảm giác rằng một "sự đình chiến" là điều có thể.

Nhưng cũng giống như "việc ngưng chiến" tạm thời với châu Âu hồi tháng 7 vừa qua khiến dư luận suy đoán rằng Mỹ sẵn sàng tập trung nhiều năng lượng hơn vào việc gây sức ép với Trung Quốc, một thỏa thuận với Bắc Kinh có thể có nghĩa là chính quyền Trump muốn cân nhắc lại khả năng chọn một cuộc chiến với châu Âu.

Tuần này, có thông tin nói rằng Trump đã gặp các cố vấn thương mại để thảo luận về thuế ôtô và ông "hăng hái" hơn bao giờ hết về việc áp thuế đối với ôtô nhập khẩu của nước ngoài với mức thuế rất cao.

Axios cho biết hôm 11/11, khi Trump bị các nhà lãnh đạo châu Âu đối xử lạnh nhạt trong chuyến công du của ông tới Pháp, Tổng thống Mỹ đã suy nghĩ về việc sử dụng thuế ôtô để gây sức ép với các đối tác thương mại ở châu Âu.

"Trump vui mừng tuyên bố rằng thời điểm ông bắt đầu nói về việc có thể áp thuế ô tô, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã bay thẳng đến Washington và bắt đầu các cuộc đàm phán," Axios dẫn lời một quan chức cấp cao châu Âu cho biết, "điều này cho thấy Trump coi thuế ô tô là một đòn bẩy thực sự."

Có vẻ như Trump sẽ không chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc về một thỏa thuận chi tiết ngắn gọn như “thỏa thuận” đã đạt được với Juncker hồi tháng 7 vừa qua.

Nhưng nếu Tổng thống Mỹ có ý định bắt đầu một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu của mình và hy vọng sẽ giữ được giá trị cổ phiếu của Mỹ, thì việc tìm được một “đường tránh” khỏi cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh có thể là bước hợp lý tiếp theo.

Trong khi Trump tiếp tục ca ngợi mối quan hệ tuyệt vời của ông với Tập Cận Bình, không thể nói tương tự về mối quan hệ của ông với các đối tác ở châu Âu.

Hôm 13/11, trên trang Twitter cá nhân, khi bất ngờ đưa ra những lời công kích nhằm vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Mỹ cũng đề cập vấn đề thương mại, khi nói rằng mối quan hệ (Mỹ-châu Âu) là “không công bằng, cần phải thay đổi”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục