Trưng bày toa tàu mẫu đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ 20/10

Dự kiến vào ngày 20/10 tới đây, toa tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ.
Trưng bày toa tàu mẫu đường sắt Cát Linh-Hà Đông từ 20/10 ảnh 1Đoàn tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Ban Quản lý dự án đường sắt cung cấp)

Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), dự kiến vào ngày 20/10 tới đây, toa tàu mẫu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ được trưng bày ​tạiTrung tâm triển lãm Giảng Võ.

Cụ thể, toa tàu mẫu mô phỏng tỷ lệ 1/1 cả về hình dáng, kết cấu, nội ngoại thất sẽ được trưng bày xin ý kiến người dân và các cơ quan chuyên môn để áp dụng chính thức cho việc chế tạo sản xuất đoàn tàu của dự án.

Trước đó, vào nửa cuối tháng Chín vừa qua, một số hình ảnh về đoàn tàu mẫu tuyến Cát Linh-Hà Đông đã được Ban Quản lý dự án đường sắt chính thức công bố đến công chúng và nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều về thiết kế kỹ thuật-mỹ thuật.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết, đoàn tàu mẫu đã được chế tạo xong, hoàn thành và đang trên đường vận chuyển về dự án để trưng bày theo kế hoạch trong tháng ​Mười.

Thời gian trưng bày toa tàu mẫu dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông từ ngày 20/10/2015 đến 20/1/2016.

Theo kế hoạch, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông sẽ mua sắm 13 đoàn tàu, loại B1 của Trung Quốc với cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa xe, thân tàu sử dụng vật liệu thép không gỉ, với giá trị hơn 63 triệu USD.

Các đoàn tàu này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Beijing Rolling Stock Equipment Co.Ltd) sản xuất. Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt này với tốc độ không cao, không đòi hỏi thiết kế khí động học nhưng vẫn cần dáng vẻ hiện đại, năng động với màu sắc, họa tiết trang trí trẻ trung, đậm đà bản sắc văn hóa thủ đô văn hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông dài 13km khổ 1.435mm, tốc độ đoàn tàu 80 km/giờ, sử dụng vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-Đại học Quốc gia-Vành đai III-Thanh Xuân III-Bến xe Hà Đông-Hà Đông-La Khê-Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Dự án do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm Tổng thầu EPC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục