Trung Bộ chủ động đối phó tình trạng thiếu nước, khô hạn

Tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ xảy ra trên diện rộng hơn, nhưng không gay gắt như năm 2013.
Trung Bộ chủ động đối phó tình trạng thiếu nước, khô hạn ảnh 1Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng mưa tại Trung Bộ từ tháng Năm đến tháng Tám phổ biến ở mức thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, đặc biệt ở các tỉnh từ Nghệ An đến Ninh Thuận là thời kỳ mùa khô và được dự báo ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy tình trạng thiếu nước, khô hạn tại khu vực này đến khoảng cuối tháng 8/2014 mới dần được cải thiện.

Tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, nửa đầu mùa mưa bão (từ tháng 5 - 7/2014) lượng mưa phổ biến thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm; đến tháng 8/2014 lượng mưa ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Có khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên, Nam Bộ và các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến muộn hơn so với bình thường (khoảng nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6/2014).

Theo các chuyên gia khí tượng, nửa đầu tháng Năm, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%, một số nơi thấp hơn 40%, riêng sông Đăkbla tại Kon Tum cao hơn trung bình nhiều năm.

Trong thời kỳ cuối tháng Năm và tháng Sáu, trên nhiều sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với đỉnh lũ thấp hơn trung bình nhiều năm.

Từ tháng Sáu đến tháng Tám, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận tiếp tục xuống và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10 - 40%. Tình trạng thiếu nước, khô hạn cục bộ sẽ xảy ra trên diện rộng hơn, nhưng không gay gắt như năm 2013.

Do dòng chảy trên các sông suy giảm mạnh nên mặn xâm nhập sẽ sâu vào vùng cửa sông và độ mặn tại hầu hết vùng hạ lưu ven biển có khả năng cao hơn năm 2013. Các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Ninh Thuận và các ngành liên quan cần chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Độ mặn trên các sông rạch Nam Bộ tiếp tục tăng trong tháng 5/2014, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2013 và trung bình nhiều năm tại hầu hết các trạm.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50-90% so với trung bình nhiều năm; đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng Một đến cuối tháng Ba nhiều nơi không có mưa. Trong tháng 4/2014 đã có mưa chuyển mùa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đều hụt nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Cụ thể là dòng chảy trên phần lớn các sông ở ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức thấp và thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.

Lượng dòng chảy đến cuối tháng 4/2014 tại các sông chính ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thiếu hụt so với cùng kỳ năm 2013 từ 25-50% và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%, một số nơi thấp hơn 60%; riêng trên sông Thu Bồn tại Nông Sơn, sông Ba tại Củng Sơn, sông Đăkbla tại Kon Tum và Serepôk tại Bản Đôn cao hơn cùng kỳ năm 2013.

Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc như Sông Mã tại Lý Nhân: 2,28m (ngày 17/4); sông Cả tại Yên Thượng: 0,45m (10/4); sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 0,22m (18/3); sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 3,39m (ngày 23/4) .

Do dòng chảy từ thượng nguồn các sông suy gảm mạnh, nên mặn đã xâm nhập khá sâu vào vùng hạ lưu. Theo số liệu quan trắc được cho thấy, độ mặn tại hầu hết vùng hạ lưu năm 2014 đạt tương đương hoặc cao hơn năm 2013.

Tại một số tỉnh như Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên không xảy ra trên diện rộng như năm 2013.

Nguyên nhân dòng chảy trên các sông ở ven biển Trung Bộ bị thiếu hụt, mực nước vùng hạ lưu xuống thấp là do lượng mưa trong các tháng đầu mùa khô thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và các nhà máy thủy điện, hồ thủy lợi trữ nước phục vụ cho các tháng mùa khô từ tháng 5 đến tháng 8/2014.

Trong 4 tháng đầu mùa khô năm 2014, mực nước trung thượng lưu sông Me Kong luôn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1-2,5m, ở hạ lưu cao hơn từ 0,5m-1,3m. Từ đầu năm đến nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long luôn cao hơn cùng kỳ năm 2013 từ 0,10m-0,35m và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4m-0,5m.

Vùng cuối nguồn, độ mặn cao nhất tại phần lớn các trạm đều nhỏ hơn cùng kỳ năm 2013 và trung bình nhiều năm. Do đã có mưa chuyển mùa khá lớn trong tháng Tư nên tình hình khô hạn ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ đã được cải thiện.

Tính đến cuối tháng 4/2014, phần lớn các hồ thủy lợi đều còn từ 65-90% dung tích thiết kế, cao hơn năm 2013 cùng thời kỳ; riêng các hồ ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình thuận chỉ còn từ 30-50% dung tích thiết kế; một số hồ ở Bình Thuận như Cà Rây, Suối Đá, Trà Tân, mực nước hiện tại chỉ trên mức nước chết từ 0,7m-1,7m. Mực nước trên phần lớn các hồ thủy điện đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2m-5m, nhưng đều cao hơn năm 2013 cùng thời kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục