Trưng cầu về vấn đề thành viên EU bộc lộ chia rẽ trong xã hội Anh

Cuộc trưng cầu ý dân do NatCeen tiến hành về việc Anh có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nữa hay không cho thấy sự chia rẽ trong trong xã hội Anh.
Trưng cầu về vấn đề thành viên EU bộc lộ chia rẽ trong xã hội Anh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Một nghiên cứu do tổ chức nghiên cứu xã hội NatCen công bố ngày 21/10 cho thấy cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nữa hay không mà Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành trước cuối năm 2017 đang làm bộc lộ sự chia rẽ trong xã hội Anh.

Sử dụng dữ liệu từ các cuộc thăm dò dư luận và khảo sát quan điểm xã hội Anh hàng năm, nghiên cứu đưa ra đánh giá rằng những người cảm thấy được lợi từ người nhập cư, từ đa dạng văn hóa và toàn cầu hóa nhìn chung sẽ có xu hướng muốn Anh ở lại EU.

Đây phần đông là những người trẻ, tốt nghiệp đại học và tầng lớp trung lưu ở Anh.

Ngược lại, những người có học vấn thấp hơn hoặc có nền tảng kinh tế-xã hội thấp hơn dễ có khả năng bỏ phiếu chọn rời khỏi EU - một mẫu hình tương tự như trong cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland hồi năm ngoái về việc xứ này có nên tách khỏi Anh trở thành quốc gia độc lập hay không.

Cụ thể, trong số cử nhân đại học, 78% muốn ở lại EU trong khi đối với những người không có bằng cấp, tỷ lệ này chỉ là 35%.

Các cuộc thăm dò dư luận về tư cách thành viên EU của Anh cho kết quả khá sát nhau trong những tháng gần đây nhưng cùng chung nhận định rằng nước này sẽ vẫn ở lại với EU sau cuộc trưng cầu ý dân.

Tác giả nghiên cứu trên, Giáo sư John Curtice thuộc Đại học Strathclyde nhận xét: "Cuộc trưng cầu dân ý không chỉ là về mối quan hệ giữa Anh và EU mà còn là cuộc tranh luận về việc Anh muốn trở thành một quốc gia như thế nào."

Theo một cuộc thăm dò dư luận xã hội, chỉ 25% số người Anh trong độ tuổi từ 18-34 nói rằng họ có ý định bỏ phiếu rời EU trong khi có 69% nói họ sẽ chọn ở lại và phần còn lại chưa quyết định.

Ở độ tuổi trên 55, có 46% số người được hỏi ủng hộ rời khỏi EU và 45% chọn ở lại.

Các cuộc thăm dò khác mà Giáo sư Curtice khảo sát cũng cho kết quả tương tự.

Nhưng nếu như ở cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland năm ngoái, số cử tri nữ chọn độc lập ít hơn hẳn nam giới thì trong việc thể hiện quan điểm với EU không có sự khác biệt giới rõ rệt.

Trong số những người ủng hộ các chính đảng, đa số cử tri ủng hộ Công đảng và đảng Dân chủ Tự do (LibDem) nói họ sẽ bỏ phiếu "ở lại EU."

Cử tri đảng Bảo thủ cầm quyền có sự chia rẽ hơn cả với phần lớn các cuộc thăm dò cho thấy không có phe nào đạt đa số nếu tính cả những cử tri chọn "không biết."

Phần đông cử tri đảng Độc lập Anh (UKIP) chủ trương bài nhập cư và EU nói rằng họ sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU, nhưng vẫn có 17% cử tri UKIP chọn ở lại với liên minh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục