Trung Đông, đại công trường thừa vốn, thiếu thợ

Khi khủng hoảng tài chính làm rất nhiều những công trình trên thế giới phải ngừng, thì ở Trung Đông, người ta vẫn liên tục xây dựng.
Chưa bao giờ thông tin lại lên ngôi như những năm gần đây, nhất là những thông tin kinh tế trong thời buổi ai ai cũng làm kinh tế như bây giờ và tin tức về đại công trường Trung Đông không là ngoại lệ.

Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuộc nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, biết đường tìm đến những hợp đồng tiền tỷ, để hàng triệu lao động nhàn rỗi thoát đói, giảm nghèo và cả làm giàu nữa.

Nói Trung Đông đang là một đại công trường thừa vốn thực ra chỉ đúng với thời nay, nhất là những năm gần đây, khi giá dầu cao hứng, có lúc nhảy lên tới gần 150USD một thùng (tháng 7/2008), còn trước đó mấy thập kỷ, người vùng này vẫn là dân du mục có thâm niên cao nhất thế giới, còn những ông hoàng, bà chúa ở Vùng Vịnh bây giờ chỉ là hậu duệ của những tay mò ngọc trai cự phách ở biển Arập, Biển Đỏ.

Vì thế mà người Arập cao niên ở vùng Vịnh Persian bây giờ vẫn bảo chỉ trong nháy mắt, Thánh Allah đã đưa họ từ bãi mò ngọc trai, đồi chăn cừu vào những khách sạn nhiều sao, những cung điện dát vàng từ cổng.

Đó là cái "nháy mắt” hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, khi lần lượt Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), rồi Kuwait, Qatar... tìm thấy dầu mỏ, cả dưới đáy biển, lẫn trong lòng sa mạc bạt ngàn nắng cát, để rồi nhiều dân vùng này thực sự thành những người “khổ” về đường… tìm cách tiêu tiền.

Đến với các nước Arập ở Vùng Vịnh, ai cũng phải choáng trước sự giàu sang tưởng như đến mức vô độ của một bộ phận dân chúng ở đây, khi khách sạn 5 sao chỉ là chỗ trú chân của khách bình dân; mỗi nhà vài ba chiếc ôtô thương hiệu nhất nhì thế giới, lại được thay mới liên tục; trong nhà toàn đồ nội thất nhập khẩu...

Vào hiệu vàng, bạn chỉ cần hỏi mua một chiếc nhẫn, hay sợi dây chuyền, chủ bốc ra cả bát, thỏa sức chọn mà không hề bị để mắt canh chừng. Như bài trước đã nói, người Arập vốn dĩ hiền lành, thích đùa tếu, nên nhiều người rất thích khi được nghe các nhà báo nước ngoài gọi mình là những người ngông cuồng xưa nay hiếm.

Còn nữa, có những quốc gia ở đây còn chơi ngông "cấp nhà nước” đến mức thưởng cho các nam thần dân trẻ biết nghe lời khuyên của Nhà Vua, không lấy vợ ngoại nhằm thuần chủng giống nòi, bằng cách “bắt” chú rể phải mua một tòa biệt thự rộng thênh thang, với đầy đủ tiện nghi, vật dụng, từ bể bơi đến chiếc rế lót nồi, với tổng giá thành… 25 xu tiền địa phương (tương đương 1 USD).

Những ngôi biệt thự này đều do lao động người nước ngoài thi công, trong đó có hai công ty xây dựng Việt Nam, mà cách đây chưa lâu, người viết bài này đã được tới tận nơi ngắm nghía.

Chưa hết, phải thừa nhận ở Trung Đông người ta đã đổ quá nhiều tiền bạc, công sức vào hệ thống giao thông, nhất là tại các nước dư tiền bạc, đến mức hiếm thấy ở đâu lại chỉ có một con đường nối tỉnh này với tỉnh kia, mà nó là vài ba, thậm chí nhiều hơn thế.

Và những tuyến đường ấy xe đều chạy một chiều với 5-6 làn, mỗi chiều thường cách nhau dăm chục mét, chưa kể chiều nào cũng có thêm đường "phụ 1,” "phụ 2,” thậm chí cả "phụ 3” nữa và mỗi đường phụ ấy cũng đều đáng mặt đường liên tỉnh ở nhiều nơi khác.

Lạ một điều là ngay trong thời điểm thế giới phải oằn mình chống đỡ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính vừa rồi, rất nhiều những công trình, kể cả cấp nhà nước phải ngừng, hoặc giảm tiến độ để đợi vốn, thì ở Trung Đông, người ta vẫn liên tục xây dựng, kiến thiết.

Riêng việc xây dựng hệ thống giao thông, bến cảng, khách sạn cao cấp, hay lấp biển, đào sông trên… sa mạc, đã đủ biến các quốc gia giàu có ở Trung Đông thành những đại công trường khổng lồ, chưa kể khai mỏ, dịch vụ, giúp việc gia đình, và tất cả đều là lao động thuê từ nước ngoài, có nơi ngay cả trong cơ quan công quyền, người bản xứ chỉ phải làm từ chức… vụ trưởng trở lên, còn tất tần tật đều “nhường lại” cho lao động nhập cư.

Chính vì thế, nếu tới thăm những nước ít dân ở Trung Đông, thí dụ Kuwait, Qatar..., khi ra đường bạn sẽ khó gặp dân gốc hơn người nước ngoài, còn chỗ làm trong các cửa hiệu, nhà máy, công trường, bệnh viện... đều là lao động đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, hay Thái Lan, Indonesia, Philippines... và gần đây lác đác đã thấy người Việt Nam.

Riêng ở UAE hiện có ngót 2 triệu lao động người Ấn Độ, còn các nước khác ở Tây Nam Á, như Bangladesh, Pakistan và Nepal mỗi nước cũng đã kịp gửi sang đây chừng một triệu người.

Tại các nước thưa dân kể trên, số lao động nước ngoài luôn gấp hai, ba lần dân bản xứ. Tuy vậy, họ vẫn đang rất "khát” lao động, nhất là bây giờ, khi cuộc khủng hoảng tiền bạc trên thế giới đã lùi dần, giá dầu mỏ lại đang nhích lên từng ngày, người Arập càng có cơ lấy lại quyết tâm biến quê hương mình, nhất là khu vực Vùng Vịnh, thành "đại đô thị” sầm uất nhất thế giới.

Nhìn lao động nước ngoài đang ào ào đổ về Trung Đông, dù ở đó họ đã có hàng triệu đồng hương, chạnh lòng thấy con số trên dưới 20.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở đây chẳng thấm tháp gì, đặc biệt là nếu so với thực tế dư vốn, thiếu lao động ở vùng này.

Hy vọng con đường tới đấy của người lao động Việt Nam sẽ thênh thang nếu thấy được rành rọt thực tế ấy và giải mã thành công cơ hội này./.

Phạm Phú Phúc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục