Trung Quốc: Ba thách thức của chính quyền mới ở Hong Kong

Liệu chính quyền mới ở Hong Kong có tạo dựng được uy tín trong dân chúng sẽ là bài kiểm tra toàn diện về năng lực, quyết tâm và trách nhiệm của tân trưởng Khu hành chính đặc biệt và chính quyền mới.
Trung Quốc: Ba thách thức của chính quyền mới ở Hong Kong ảnh 1Tân Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của ông Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí Tín báo của Hong Kong (Trung Quốc) số 7/2022, chính quyền mới của Hong Kong đã nhậm chức vào ngày 1/7.

Liệu chính quyền mới có tạo dựng được uy tín trong dân chúng, công tác điều hành có diễn ra suôn sẻ hay không. Đây sẽ là bài kiểm tra toàn diện về năng lực, quyết tâm và trách nhiệm của tân trưởng Khu hành chính đặc biệt và chính quyền mới.

Phòng chống dịch và khôi phục kinh tế

Sau khi trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ giữa tháng Hai đến giữa tháng Tư, làn sóng dịch bệnh thứ 5 đã dần lắng dịu. Ngày 19/4, chính quyền Hong Kong nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Cho đến nay, tất cả các ngành ở Hong Kong đã trở lại hoạt động bình thường. Một trong những lý do chính khiến chính quyền Hong Kong nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch là sau hơn 2 năm chống chọi với dịch bệnh, tất cả các ngành đều sa sút, kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng Sáu, số ca mắc mới đã tăng trở lại.

[Chính quyền mới của Hong Kong chính thức tuyên thệ nhậm chức]

Ngay khi vừa nhậm chức, chính quyền mới đã phải đối mặt với thử thách mới. Thông thường sau khi chính quyền mới nhậm chức thường có những chính sách mới, biện pháp mới, đồng thời nỗ lực hết sức để thúc đẩy kinh tế phục hồi, tạo dựng uy tín.

Tuy nhiên, dịch bệnh luôn khó lường. Liệu Hong Kong có phải đón làn sóng dịch bệnh thứ 6 và khi nào sẽ đến? Hong Kong có lặp lại những sai lầm tương tự? Đây chính là những thách thức đối với chính quyền mới.

Thực hiện thông quan toàn diện

Cuối năm 2019, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc Đại lục. Đầu năm 2020, chính quyền Hong Kong quyết định cắt đứt sự đi lại bình thường giữa Hong Kong và Trung Quốc Đại lục. Nửa năm sau, báo động về dịch bệnh ở đại lục đã được dỡ bỏ, Vũ Hán, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã nối lại giao thông với các tỉnh khác ở Trung Quốc Đại lục.

Sau đó, dịch bệnh đã bùng phát ở nhiều quốc gia, Mỹ và châu Âu dần trở thành những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, Hong Kong lại không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với Mỹ và châu Âu.

Trước khi Hong Kong xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 5, do yêu cầu của người dân, chính quyền cuối cùng đã khởi động cơ chế bàn bạc nhằm khôi phục việc đi lại bình thường. Tuy nhiên, Trung Quốc Đại lục vẫn thực hiện nghiêm túc chính sách “Không COVID.”

Trong khi cuộc đàm phán giữa hai nơi diễn ra thì làn sóng dịch bệnh thứ 5 ập đến và việc đàm phán thông quan ngay lập tức phải dừng lại.

Tuy nhiên, việc thông quan đã trở thành một trong những nhu cầu cấp thiết và mong muốn của người dân Hong Kong. Trong chiến dịch tranh cử và sau khi được bầu làm người đứng đầu Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, ông Lý Gia Siêu đều bày tỏ muốn sớm giải quyết vấn đề thông quan. Nếu chính quyền mới thực hiện được thông quan ngay sau khi nhậm chức thì đó chắc chắn sẽ là một thành tích tốt.

Khách quan mà nói, tình hình dịch bệnh ở Hong Kong và Trung Quốc không đến mức nghiêm trọng, có cơ sở để thông quan. Nhưng có một vấn đề khó bỏ qua đó là nên cùng chung sống với COVID hay vẫn thực hiện chính sách “Không COVID.”

Việc nối lại thông quan với Trung Quốc Đại lục càng sớm càng tốt là lời hứa của tân Trưởng Khu hành chính đặc biệt với người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đây chắc chắn là một thử nghiệm quan trọng đối với chính quyền mới.

Vấn đề tăng lương cho công chức

Ngày 18/5, Hong Kong công bố kết quả khảo sát xu hướng tiền lương cho thấy công chức mong muốn tăng lương trong năm nay, đồng thời liệt kê mức tăng lương cho công chức cấp thấp, trung và cao là 2,04%, 4,55% và 7,26%.

Ngay khi kết quả này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc hoạt động kém hiệu quả, gây ra tổn thất quy mô lớn, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập giảm mạnh, kinh tế suy giảm, tăng lương cho công chức là chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Một số khác lại cho rằng việc tăng lương của công chức rõ ràng là không hợp lý vì lương của công chức đã cao, nhất là đối với công chức cấp cao.

Lương của công chức ở Hong Kong thuộc hàng cao nhất thế giới. Đặc biệt các quan chức cấp cao của chính quyền, chưa kể người đứng đầu Khu hành chính đặc biệt, ngay cả giám đốc sở và các cục trưởng thì mức lương cũng cao hơn Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh.

Hơn nữa, lương của công chức không những cao mà bộ máy cũng cồng kềnh. Trước đây, cơ cấu chính quyền Hong Kong có 3 sở và 11 cục, hiện tại đã tăng lên thành 3 sở và 15 cục và tăng thêm cấp phó của 3 sở. Số lượng nghị sỹ của Hội đồng lập pháp cũng đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo đánh giá của dư luận dù hưởng mức lương cao, nhưng hiệu quả công việc không cao. Sự yếu kém của chính quyền trong việc xử lý các cuộc biểu tình phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ năm 2019, gần đây nhất là công tác phòng chống dịch hơn 2 năm qua đã bộc lộ nhiều vấn đề.

Do đó, trong cương lĩnh tranh cử, ông Lý Gia Siêu nhấn mạnh sẽ lấy kết quả làm mục tiêu và nâng cao năng lực điều hành của chính quyền. Tất cả những vấn đề này sẽ bài khảo nghiệm năng lực của bộ máy chính quyền mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục