Trung Quốc bị ảnh hưởng vì đầu tư nước ngoài suy giảm

Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bớt quan tâm đến Trung Quốc?

Một số báo cáo đã nhanh chóng nhắc tới “sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin kinh doanh” của các nhà đầu tư sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong tháng 11/2018 giảm mạnh.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bớt quan tâm đến Trung Quốc? ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng tin eurasiareview đưa ra nhận định liệu có phải các nhà đầu tư nước ngoài không còn quan tâm tới Trung Quốc? Dựa trên những số liệu chính thức mới đây nhất, có vẻ như các nhà đầu tư đang lùi lại đợi tới khi biết được kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Bất chấp những nghi ngờ về số liệu thống kê của Trung Quốc, có vẻ như rõ ràng tỷ lệ tăng trưởng đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức hai con số cách đây một thập kỷ.

Một số báo cáo đã nhanh chóng nhắc tới “sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin kinh doanh” của các nhà đầu tư sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong tháng 11/2018 giảm mạnh.

Tháng 12/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết FDI trong tháng 11 của Trung Quốc đã giảm 26,3% so với cách đó một năm, xuống mức 92,1 tỷ nhân dân tệ.

Theo Tân hoa xã, nếu tính theo đồng USD, FDI của Trung Quốc trong tháng 11 còn suy giảm mạnh hơn, chỉ còn 13,6 tỷ USD, giảm 27,6% so với năm trước.

Theo South China Morning Post (Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) số ra ngày 13/12/2018, các nhà đầu tư tại Trung Quốc “bị hoảng sợ” do lo ngại các mức thuế quan sẽ tăng lên “tại thời điểm bất ổn dâng cao về tác động của tranh chấp thương mại đối với nền kinh tế của Trung Quốc.”

Báo này trích lời Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng của JD Finance ở Bắc Kinh, nói: “Trong bối cảnh có khả năng mức thuế quan sẽ tăng lên, các công ty nước ngoài đang lo ngại đầu tư vào Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.”

Bài báo cũng nêu ra một số bằng chứng cho xu hướng này, đó là việc tập đoàn sản xuất camera GoPro Inc. có trụ sở tại California gần đây đã quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã đóng cửa một xưởng sản xuất điện thoại thông minh ở thành phố Thiên Tân.

Nhìn chung, FDI trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ đánh dấu sự giảm tốc chứ không phải là sự sụt giảm nghiêm trọng. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã giải thích cho sự suy giảm FDI này, nhấn mạnh rằng “cơ sở so sánh cao” với mức FDI tăng cao trong tháng 11/2017 là một trong những nguyên nhân.

Nếu xem xét lại các số liệu, lập luận trên của Bộ Thương mại là có cơ sở. Bộ Thương mại Trung Quốc công bố FDI của Trung Quốc trong tháng 11/2017 tăng tới 90,7% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù không giải thích nguyên nhân của sự tăng đột biến này. FDI của cả năm 2017 tăng ở mức thấp hơn, 7,9% tính theo đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI từ tháng 1 đến tháng 11/2018 ở mức rất thấp, giảm 1,3% so với năm trước, xuống mức 793,3 tỷ nhân dân tệ, và chỉ tăng 1,1% nếu tính theo đồng USD (ở mức 121,3 tỷ USD).

Việc mất niềm tin vào Trung Quốc có thể là một nguyên nhân giải thích cho sự suy giảm FDI. Các nhà đầu tư có thể đang đợi những cơ hội mới mở ra sau khi các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ và kết thúc, trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Nếu đó là sự thực, FDI có thể sẽ tăng trở lại trong năm 2019.

Lý do cần thận trọng

Derek Scissors, một nhà kinh tế chuyên về khu vực châu Á và là một học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nhấn mạnh rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc FDI của Trung Quốc giảm, song cũng có nhiều lý do cần thận trọng khi đưa ra kết luận như vậy.

Ông Scissors cho biết chỉ cần một hoạt động giải ngân cũng có thể khiến FDI hàng tháng thay đổi. Bên cạnh đó, ông cho biết thêm rằng FDI thường là “sản phẩm của việc tiền Trung Quốc được đưa ra nước ngoài rồi đổ trở về Trung Quốc.” Trong trường hợp này, đây có thể là kết quả của các chính sách của chính phủ và hoạt động kiểm soát vốn.

Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rằng tổng FDI là kết quả của nhiều khoản đầu tư nhỏ chứ không phải của những thỏa thuận đầu tư lớn. Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2018, Bộ Thương mại Trung Quốc ghi nhận 54.703 dự án mới có vốn nước ngoài, tăng 77,5%.

Tuy nhiên, ông Scissors tin rằng “tiền đầu tư nước ngoài thực sự đang giảm nhanh hơn mức 1,1%, bởi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại."

Các tuyên bố chính thức của chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều nhấn mạnh vào "tính co giãn" khi phải đối mặt với các sức ép kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vốn đã đang trên đà giảm trước khi xảy ra tranh chấp thương mại với Washington.

Theo ông Scissors, có thể còn quá sớm để nhận ra tác động từ việc Mỹ thay đổi chính sách thuế quan, hoặc sự nhượng bộ ở mức vừa phải cho phép tiếp cận thị trường Trung Quốc mà Bắc Kinh tuyên bố cách đây chưa lâu. Ông dự đoán rằng "các nhà đầu tư hiện nay và các nhà đầu tư mới đang dừng lại và đợi đến khi có kết quả (tranh chấp thương mại Mỹ-Trung)."

Trong năm qua, chính phủ Trung Quốc đã vạch ra nhiều kế hoạch nhằm nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực. Tháng 4/2018, chính phủ đã thực hiện bước đi đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất ôtô, bãi bỏ giới hạn cổ phần nước ngoài đối với những công ty sản xuất các phương tiện sử dụng năng lượng mới, và dần cho phép các công ty nước ngoài được nắm đa số cổ phần trong các công ty liên doanh sản xuất ôtô trong những năm tới.

Tháng 6/2018, chính phủ Trung Quốc công bố những biện pháp giúp nền kinh tế nước này trở nên cởi mở hơn, với việc xem xét lại danh mục đầu tư "tiêu cực" (danh sách các ngành mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước bị hạn chế hoặc cấm), và cắt giảm số lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài từ 63 xuống còn 48. Bắc Kinh cũng cam kết sẽ có thêm các biện pháp tạo điều kiện hơn nữa cho đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Tuần trước, Ủy ban thường trực Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã có những bước đi nhằm hợp nhất 3 đạo luật riêng biệt hiện nay thành một luật chung về đầu tư nước ngoài.

Nhằm phát đi tín hiệu nhượng bộ trước khi các cuộc đàm phán về thuế quan với Mỹ diễn ra tháng 1 năm nay, ngày 25/12/2018, chính phủ Trung Quốc đã công bố một "danh sách hạn chế tiếp cận thị trường" mới, ngắn hơn danh sách trước đây.

Theo Tân Hoa xã, danh sách mới gồm 151 mặt hàng và 581 quy tắc cụ thể, giảm lần lượt 177 mặt hàng và 288 quy tắc so với phiên bản trước.

[Trung Quốc trước nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm tốc]

Phản ứng của các nhà đầu tư

Tuy nhiên, phản ứng của các nhà đầu tư đến nay vẫn chưa có gì nổi bật. Mặc dù ban đầu khá hào hứng, song phần lớn các nhà sản xuất ôtô nước ngoài đều quyết định không thay đổi, tiếp tục hợp tác với các đối tác địa phương của họ, sau khi đầu tư rất nhiều vào các thỏa thuận hiện có.

Bên cạnh đó, những thay đổi đối với các công ty liên doanh sản xuất xe chở khách đến năm 2022 mới bắt đầu có hiệu lực.

Theo Wall Street Journal, FDI giảm đúng lúc ngành sản xuất ôtô của Trung Quốc đang đi xuống. Một số công ty sản xuất ôtô mới mở gần đây hiện đang trong tình trạng nhàn rỗi.

Chính phủ Trung Quốc cũng lên kế hoạch mở cửa lĩnh vực tài chính, nới lỏng hạn chế đối với các ngân hàng, các công ty quản lý tài sản, các hãng đầu tư và bảo hiểm theo các luật mới được công bố hồi tháng 5.

Trong tuần này, China Daily (Trung Quốc nhật báo) cũng đưa tin rằng các công ty nước ngoài đang dồn dập đăng ký giấy phép kinh doanh để tận dụng các cơ hội mà chính phủ tạo ra trong lĩnh vực quản lý tài sản.

Tập đoàn tài chính UBS Group AG của Thụy Sĩ đã nâng số cổ phần của họ trong một công ty liên doanh môi giới tài chính Trung Quốc từ 24,99% lên 51%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bớt quan tâm đến Trung Quốc? ảnh 2Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống thép ở Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Rủi ro vẫn còn

Mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, song bên cạnh đó cũng không ít rủi ro. Hành động "ăn miếng trả miếng" của Trung Quốc - bắt giam 3 công dân Canada sau khi chính phủ Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc cấp cao của tập đoàn công nghệ Huawei, ở Vancouver theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ - đã khiến triển vọng làm ăn của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc trở nên phức tạp hơn.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Scissors, còn quá sớm để đánh giá liệu vụ việc này có ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư hay không.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội kinh doanh có thể là những nhân tố lớn hơn giúp phục hồi FDI trong năm tới. Tuy nhiên, Trung Quốc cần mở rộng cửa thị trường hơn nữa để đảo ngược xu thế hiện nay.

Nhìn lại các số liệu có thể thấy tỷ lệ tăng trưởng FDI tại Trung Quốc đã giảm dần trong suốt một thập kỷ qua, sau khi đạt tỷ lệ trung bình hàng năm là 26% giai đoạn 2004-2008 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Lần cuối cùng tăng trưởng FDI của Trung Quốc đạt mức 2 con số là năm 2010./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục