Trung Quốc cam kết hội nhập kinh tế, thúc đẩy đàm phán về RCEP

Trung Quốc, vốn không phải là thành viên của TPP, tuyên bố nước này cam kết tham gia tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên tinh thần cởi mở, minh bạch và tính toàn diện.
Trung Quốc cam kết hội nhập kinh tế, thúc đẩy đàm phán về RCEP ảnh 1Người dân chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở Bắc Kinh. (Nguồn: AP/TTXVN)

Trung Quốc, vốn không phải là thành viên của TPP, tuyên bố nước này cam kết tham gia tiến trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên tinh thần cởi mở, minh bạch và tính toàn diện.

Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh​ nhấn mạnh nước này sẽ thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực RCEP, cũng như việc xây dựng FTAAP nhằm thêm động lực mới cho phát triển kinh tế của khu vực và thế giới.

Cũng theo quan chức trên, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên tiếp tục khẳng định vai trò là động lực kinh tế toàn cầu và thiết lập một nền kinh tế mở.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này còn lại 11 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Nhật Bản là nước đầu tiên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn TPP trong nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe​ coi TPP là một đầu máy đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Australia và New Zealand tuyên bố hai nước này hy vọng sẽ xúc tiến tiếp TPP kể cả khi không có sự tham gia của Mỹ.​

Ngày 24/1, Chile và Peru, hai nước Mỹ Latinh tham gia TPP, đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Chile Rodrigo Valdés bày tỏ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi TPP là biểu hiện đáng lo ngại đối với triển vọng kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Chile Heraldo Muñoz​ tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương cũng như khu vực mới mà không có sự tham gia của Mỹ, đồng thời thông báo nước này đã mời bộ trưởng của các nước thành viên TPP cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc tham dự cuộc họp tại nước này vào tháng 3 tới để tìm hướng đi tiếp theo. Theo ông Muñoz, các nước đã phản ứng tích cực với đề xuất này của Chile.

Ngoại trưởng Chile khẳng định nước này sẽ theo đuổi chính sách mở cửa và hội nhập thế giới ở nhiều phương diện khác nhau và bày tỏ việc Mỹ rút khỏi TPP đã đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận này.

Ông nhận định có thể đề xuất một phương hướng mới đó là một văn bản tương tự TPP mà không có Mỹ, tuy nhiên điều này đỏi hỏi bàn thảo với các nước thành viên.

Cùng ngày, Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski, quốc gia thành viên của TPP, tuyên bố cần tìm một hiệp định tự do thương mại mới với sự có mặt của Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch Eduardo Ferreyros bày tỏ 11 nước còn lại của TPP vẫn còn cơ hội để thảo luận và kêu gọi các nước nhóm họp để quyết định những việc cần làm tới đây.

Peru hiện đã ký Hiệp định tự do thương mại với nhiều nước thành viên của TPP và đang đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Australia.

TPP có sự tham gia của 12 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút nước này khỏi TPP vì cho rằng thỏa thuận này làm mất công ăn việc làm của người Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục