Trung Quốc cam kết thúc đẩy chính sách mở cửa ngành ngân hàng

Trưởng ban Quốc tế của CBRC khẳng định cốt lõi của hoạt động điều chỉnh chính sách là thực thi chính sách đãi ngộ quốc gia trên phương diện quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngành ngân hàng.
Trung Quốc cam kết thúc đẩy chính sách mở cửa ngành ngân hàng ảnh 1Biểu tượng của Ngân hàng Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) ngày 13/12 cam kết sẽ thúc đẩy vững chắc chính sách mở cửa ngành ngân hàng sau khi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp mở rộng cơ hội tiếp cận lĩnh vực tài chính đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Văn Trọng - Trưởng ban Quốc tế của CBRC, khẳng định cốt lõi của hoạt động điều chỉnh chính sách là thực thi chính sách đãi ngộ quốc gia trên phương diện quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần trong ngành ngân hàng.

Phương hướng chính sách tiếp theo của Trung Quốc sẽ chủ yếu bao gồm những giải pháp như cho phép các ngân hàng nước ngoài có nhiều sự tự do hơn trong việc lựa chọn hình thức tồn tại và mở rộng lĩnh vực kinh doanh, khuyến khích chi nhánh của các ngân hàng ngoại triển khai hoạt động kinh doanh liên quan đến trái phiếu chính phủ, nới lỏng những hạn chế đối với các ngân hàng nước ngoài trong hoạt động ngân hàng bán lẻ sử dụng đồng nhân dân tệ... Đồng thời, CBRC cũng sẽ điều chỉnh yêu cầu quản lý vốn kinh doanh và phương thức kiểm tra, giám sát đối với chi nhánh của các ngân hàng ngoại.

[IMF khuyến cáo Trung Quốc tăng cường ổn định hệ thống tài chính]

Ông Phạm Văn Trọng cho biết thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai những chính sách nói trên, CBRC sẽ tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, CBRC cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chế độ giám sát và quản lý một cách đồng bộ, và xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro để đảm bảo sự tương ứng giữa năng lực quản lý và giám sát với mức độ mở cửa đối với bên ngoài.

Theo số liệu thống kê chính thức của CBRC, tính tới cuối tháng 11/2017, Trung Quốc có 210 tổ chức tài chính ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 39 ngân hàng có sự tham gia góp vốn của pháp nhân nước ngoài, 17 tổ chức tài chính nông thôn loại hình mới có vốn đầu tư nước ngoài, 31 tổ chức tài chính phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và 123 chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục