Trung Quốc cần làm gì để tạo dựng 'quyền lực thông minh'?

Trung Quốc là một quốc gia rất khó phân tích bởi nền văn hóa Nho giáo trọng thể diện và ghét bị chỉ trích, dù các đối thủ của Bắc Kinh vẫn luôn không ngừng nhìn nhận họ một cách tiêu cực.
Trung Quốc cần làm gì để tạo dựng 'quyền lực thông minh'? ảnh 1Học viết chữ Hán tại một Viện Khổng Tử. (Nguồn: Xinhua)

Trang mạng moderndiplomacy.eu đưa tin Trung Quốc là quốc gia đặc biệt với những đặc sắc của Trung Hoa, đồng thời nhanh chóng vươn lên từ vị trí kém phát triển để trở thành một nhân tố then chốt trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Trung Quốc là một quốc gia rất khó phân tích bởi nền văn hóa Nho giáo trọng thể diện và ghét bị chỉ trích, dù các đối thủ của Bắc Kinh vẫn luôn không ngừng nhìn nhận họ một cách tiêu cực.

Trung Quốc hiểu rõ bối cảnh này trên chính trường quốc tế và chuẩn bị một kế hoạch tập trung nhằm gặt hái những lợi ích kinh tế và chính trị cho mình.

Năm 2005, Trung Quốc đã tìm cách tặng Đài Loan hai chú gấu trúc nhưng bị từ chối vì Đài Loan coi hành động này là vi phạm Công ước Thương mại Quốc tế về Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp năm 1963.

Bắc Kinh cho rằng việc vận chuyển món quà này chỉ mang tính nội bộ, một bước đi giúp Trung Quốc khẳng định tính chính đáng của chính sách “một Trung Quốc” mà không cần phải kích động bất cứ nhân tố nào.

[Công cụ tạo nên "quyền lực mềm" của Trung Quốc]

Khái niệm quyền lực mềm phức tạp hơn rất nhiều, bởi đó có thể là cả một quá trình để đạt được sự thừa nhận pháp lý mà không khiêu khích quá mức công luận vốn thù địch tại một quốc gia khác.

Lấy một ví dụ khác, việc Mỹ sản xuất bộ phim "Kung Fu Panda" rõ ràng đã giúp Trung Quốc củng cố thêm nền “ngoại giao gấu trúc” của mình.

Bắc Kinh phần nào “kiểm soát” Hollywood nhờ các khoản đầu tư từ Trung Quốc và thực tế là các nhà sản xuất phim Mỹ không ngừng tìm cách để sản phẩm điện ảnh của mình có thể được trình chiếu tại các rạp chiếu phim ở thị trường đông dân nhất thế giới này, một yếu tố đòi hỏi họ phải đưa vào nội dung những yếu tố và điều kiện mà Bắc Kinh chấp nhận.

Việc Tiktok bị cấm tại Mỹ cho thấy Washington buộc phải hành động do sự phổ biến ngày càng mạnh mẽ của các ứng dụng Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Ngoài ra, lệnh phát cấm sóng kéo dài một năm đối với Hiệp hội Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) mà Trung Quốc ban hành cũng phản ánh thực tế là quốc gia này hoàn toàn có thể buộc những đối thủ của mình phải duy trì cơ chế tự kiểm duyệt nếu muốn thu lời từ thị trường Trung Quốc.

Nói cách khác, “những tác động từ bên ngoài” sẽ dẫn tới những “thay đổi chính sách,” với khả năng thay đổi cả các quy chuẩn.

Trung Quốc tận dụng giáo dục như một phương tiện để thích nghi cùng các quốc gia khác, một chiến lược mà phương Tây rất khó giám sát.

Cựu Thủ tướng Kazakhstan Karim Massimov và Tổng thống Ethiopia Malatu Teshome từng học tập tại Trung Quốc, và hai nhà lãnh đạo này đều có những bước tiến nhằm củng cố quan hệ song phương sau khi lên nắm quyền.

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2008 cho biết hơn 4.000 quân nhân tới từ khoảng 130 quốc gia trên thế giới đã đến Trung Quốc để học tập và tham gia các khóa huấn luyện.

Bắc Kinh có thể dùng “ngoại giao giáo dục” như một công cụ để củng cố “ngoại giao quân sự” và thậm chí là để xây dựng các liên minh chính trị.

Chính phủ Trung Quốc vận hành các Học viện Khổng Tử giống cách mà Đức sử dụng Viện Goethe và Pháp sử dụng Liên minh Pháp ngữ để quảng bá ngôn ngữ của mình.

Phương Tây không khỏi lo ngại việc các trường đại học bắt đầu ban hành các quy định có lợi cho Trung Quốc sau khi mở các Viện Khổng Tử và thậm chí sinh viên sẽ nói tốt về Trung Quốc để nhận được học bổng.

Trung Quốc tài trợ nhiều chương trình giáo dục và đem đến cơ hội cho những học viên tài năng từ những quốc gia đang phát triển, và kết quả là những người này đa phần có quan điểm tích cực về Trung Quốc do họ những kết nối tình cảm với bạn bè và giáo viên người Hoa.

Những tác phẩm nổi tiếng như Binh pháp Tôn tử hay Đạo Đức Kinh của Lão tử được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và khiến thế giới có sự ngưỡng mộ không nhỏ đối với nền triết học Trung Hoa.

Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với những gì giới học giả tưởng tượng và họ không chỉ đơn thuần là công xưởng của thế giới. Quốc gia này còn có thể sử dụng điện ảnh, giáo dục và nhiều loại hình nghệ thuật khác để đạt được lợi ích quốc gia.

Những di sản như Vạn Lý Trường Thành và Chùa Thiếu Lâm đã giúp Trung Quốc tạo lập hình ảnh mạnh mẽ và trường tồn.

Trung Quốc là 1 trong 3 quốc gia chủ chốt ở Đông Á đóng vai trò quan trọng trong định hình chính trường quốc tế. Khu vực này là một đối thủ mạnh trong các đại hội thể thao Olympic, với nền ẩm thực tuyệt vời và những công cụ số được cả thế giới đón nhận.

Trung Quốc còn có lợi thế trong trong ngành du lịch và lữ hành do có nhiều di sản thế giới và di sản phi vật thể. Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và vị trí địa lý ngay cạnh các cường quốc xuất khẩu chủ lực cũng là yếu tố giúp tạo nên một hành lang thương mại nhộn nhịp.

Truyền thống ganh đua trong thể thao giúp Trung Quốc xây dựng được một văn hóa đầy tính cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Sự hiện diện của Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là yếu tố không kém phần quan trọng bởi 2 quốc gia này đều kế thừa các giá trị Nho giáo.

Trung Quốc có ý định phát triển quyền lực mềm thông qua việc xây dựng và sử dụng (i) sự gắn kết quốc gia, (ii) một nền kinh tế ổn định và bền vững, (iii) một nhà nước uy tín, và (iv) một quốc gia cổ kính nhưng năng động.

Các cuộc triển lãm, các trung tâm y tế chuyên biệt, và nhà hàng là nơi để hội họp và chia sẻ di sản văn hóa giàu có của Trung Quốc.

Người Trung Quốc cảm thấy tự hào về văn hóa lâu đời và cảm thấy mạnh mẽ khi là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

“Giấc mộng Trung Hoa” đã giúp tạo ra thái độ đồng nhất này và hơn nữa là củng cố tính hợp pháp của chế độ cầm quyền.

Ổn định là nhân tố quan trọng để thu hút và giữ vững nguồn vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ổn định cũng là nhân tố duy trì sự phát triển và giúp tạo ra của cải để Bắc Kinh có nguồn tài chính phục vụ khía cạnh an ninh quốc phòng.

Tin cậy, uy tín là yếu tố rất khó đạt được với Trung Quốc bởi sự thiếu minh bạch vốn có, nhất là với thói quen giấu diếm thông tin do lo ngại kích động tâm lý sợ hãi trong dư luận và tổn hại về thể diện.

Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ đem đến lợi ích cho cả người dân và các quốc gia khác với ý tưởng hài hòa nét cổ kính với nền công nghệ hiện đại tại Trung Quốc.

Những chỉ trích mà Trung Quốc phải đối mặt phản ánh mối lo ngại của các quốc gia khác về “bẫy Thucydides.”

Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải cải tổ chính mình để có thể được chấp nhận với tư cách một quốc gia cổ kính nhưng năng động.

Họ cần phải học hỏi từ sai lầm để có thể được nhìn nhận như một quốc gia đáng tin cậy và ổn định, từ đó tạo dựng quyền lực thông minh một cách tối ưu nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục