Trung Quốc cần tránh đưa ra chính sách kích thích kinh tế lớn

Theo Sách Xanh kinh tế 2016, áp lực kinh tế đi xuống ở mức độ nhất định cũng có lợi để phát huy vai trò của cơ chế thị trường nên nhà nước cần tránh đưa ra chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn.
Trung Quốc cần tránh đưa ra chính sách kích thích kinh tế lớn ảnh 1Rau củ được bán tại một khu chợ ở Thượng Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sách Xanh kinh tế 2016, do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản văn hiến khoa học xã hội Trung Quốc công bố mới đây, đã đưa ra những phân tích và dự báo về tình hình kinh tế nước này trong năm 2016.

Sách Xanh nêu rõ kinh tế công nghiệp của Trung Quốc đang ở vào thời kỳ then chốt nâng cấp chuyển đổi, sự lựa chọn chiến lược giai đoạn này sẽ trực tiếp quyết định viễn cảnh phát triển kinh tế trong tương lai. Hiện nay kinh tế vĩ mô của Trung Quốc vẫn đối mặt với sức ép đi xuống song tình trạng thất nghiệp sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, áp lực kinh tế đi xuống ở mức độ nhất định cũng có lợi để phát huy vai trò của cơ chế thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi. Trong trường hợp này, nhà nước cần tránh đưa ra chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn mà đặt trọng điểm của chính sách vào việc điều chỉnh kết cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi cơ chế động lực tăng trưởng kinh tế công nghiệp.

Cũng theo Sách Xanh, để khởi động cải cách về phá sản và rút vốn, cần phải xây dựng và tăng cường cơ chế trói buộc trách nhiệm rủi ro. Không có sự đảm bảo về cơ chế này, cải cách thị trường hóa có thể sẽ làm gia tăng rủi ro. Vì vậy, nhà nước cần đặt cải cách về phá sản và rút vốn ở vị trí ưu tiên trong cải cách; đồng thời cũng cần chú ý hoàn thiện cơ chế rủi ro, rút vốn; cần học tập kinh nghiệm quốc tế, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đăng ký, xóa đăng ký, phá sản và rút vốn, giảm chi phí rút vốn cho doanh nghiệp.

Đối với cải cách doanh nghiệp quốc hữu, các cơ quan từng bước xác định rõ quyền sở hữu, quy phạm trách nhiệm tài sản, giảm bớt sự bảo hộ quá độ của chính phủ đối với những doanh nghiệp này, căn cứ vào phương hướng đa nguyên hóa quyền cổ phần và phát triển kinh tế chế độ sở hữu hỗn hợp, chú ý chặt chẽ tới hoạt động phá sản, rút vốn với cải cách doanh nghiệp quốc hữu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục