Trung Quốc có dấu hiệu sẽ ''nới lỏng'' chính sách tài chính

Chính phủ Trung Quốc vừa phát đi tín hiệu rằng họ sẽ chuyển sang một chính sách tài chính nới lỏng hơn để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước những tác động từ tranh chấp thương mại.
Trung Quốc có dấu hiệu sẽ ''nới lỏng'' chính sách tài chính ảnh 1Đồng 100 Nhân dân tệ của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Trung Quốc vừa phát đi tín hiệu rằng họ sẽ chuyển sang một chính sách tài chính nới lỏng hơn để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước những tác động từ tranh chấp thương mại ngày một nóng lên với Mỹ.

Trong một thông báo mới do Quốc Vụ Viện Trung Quốc công bố, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết sau hơn một năm thúc đẩy việc siết chặt quản lý nợ trong hệ thống tài chính, các chính sách tài khóa của chính phủ sẽ mang tính chủ động hơn. Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách vĩ mô ổn định và hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đề cập tới việc chính phủ nước này sẽ thúc đẩy kế hoạch giảm thuế hơn 1.100 tỷ nhân dân tệ (160 tỷ USD) và phát hành lượng trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 1.350 tỷ nhân dân tệ dành cho phát triển cơ sở hạ tầng.

[Trung Quốc tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018]

Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết chính phủ nước này cần phải hành động khi đối mặt với những bất ổn từ bên ngoài, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong một “phạm vi hợp lý.” Ngoài ra, nước này sẽ tránh thực thi những biện pháp kích thích mạnh hoặc quá lỏng, đồng thời cam kết duy trì giám sát chặt chẽ những dấu hiệu bất thường của hệ thống tài chính.

Các nhà phân tích cho rằng thông báo này được xem như là sự khởi đầu của việc Chính phủ Trung Quốc chuyển dần từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" và kiểm soát nợ sang kích thích kinh tế. Đây là điều các nhà quan sát đã dự báo từ trước.

Theo các chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Citic Securities, trọng tâm trong trung và dài hạn của chính phủ Trung Quốc vẫn là giảm thiểu mức nợ. Nhưng giới chức Bắc Kinh sẽ phải có những thỏa hiệp vì các tác động từ bên ngoài cũng như những sức ép đi xuống đang đè nặng lên nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vốn đã phải nỗ lực cân bằng giữa những ưu tiên có phần đối chọi nhau, bao gồm việc dịch chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn, trong khi phải tiến hành “dọn dẹp” hệ thống tài chính ngầm của nước này. Việc cân bằng đó càng trở nên phức tạp hơn kể từ tháng 7/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cũng có động thái áp thuế đáp trả.

Những động thái "ăn miếng trả miếng" về thuế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang làm tăng nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục