Trung Quốc có "lấn sân" Mỹ trong đầu tư và thương mại tại Mỹ Latinh?

Trung Quốc là một đối tác ngày càng quan trọng của các nước trong khu vực này, hiện tại là trong thương mại và đầu tư, và trên hết là trong lĩnh vực năng lượng tại Nam Mỹ.
Trung Quốc có "lấn sân" Mỹ trong đầu tư và thương mại tại Mỹ Latinh? ảnh 1Tàu chở hàng lưu thông qua kênh đào Panama. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin obela.org của Trạm quan sát kinh tế Mỹ Latinh nhận định Mỹ đã tuyên bố một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó hai bên cạnh tranh trên nhiều khía cạnh khác nhau, vai trò lãnh đạo về công nghệ, các thị trường và vị thế ảnh hưởng kinh tế thống trị tại Mỹ Latinh.

Trung Quốc là một đối tác ngày càng quan trọng của các nước trong khu vực này, hiện tại là trong thương mại và đầu tư, và trên hết là trong lĩnh vực năng lượng tại Nam Mỹ và vai trò khách hàng mua các sản phẩm nguyên liệu.

Gần đây, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của quốc gia đông dân nhất thế giới vào lĩnh vực phân phối điện tại khu vực cũng ngày càng nổi bật.

Để thuận tiện cho những phân tích kinh tế, khu vực Mỹ Latinh thường được chia thành 2 tiểu khu vực là Nam Mỹ, mà hiện đang có trục thương mại với Trung Quốc mại mạnh hơn nếu loại trừ Colombia, Ecuador và Venezuela, những nước trong những phân tích kinh tế châu lục thường được xếp vào tiểu khu vực gồm Mexico, Trung Mỹ và lòng chảo Caribe, với trục kinh tế chủ yếu dựa vào Mỹ.

Tuy nhiên, sự phân chia này cũng thay đổi chút sắc thái với việc Bắc Kinh đã cải thiện vị thế đối tác kinh tế quan trọng đối với El Salvador và Mexico.

Xét xu hướng chung, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh vào Mỹ đã giảm nhẹ khoảng 2% trong giai đoạn 2014-2018 tại cả 2 tiểu khu vực.

Tuy nhiên, nghịch lý là trong năm 2019 này đã có sự tái tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động này, với mức tăng lên tới 2 con số tại Argentina, Bolivia và Paraguay, khiến cho giá trị xuất khẩu của cả Nam Mỹ sang Mỹ tăng 6%, tương đương với mức của Mexico, và thấp hơn mức tăng 8% của Colombia. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Caribe, Ecuador và Venezuela đều giảm.

Bất chấp ảnh hưởng bao trùm của Mỹ tại Mỹ Latinh, Trung Quốc vẫn có những bước tiến dần dần trong quan hệ kinh tế với cả khu vực. Chiến dịch bành trướng kinh tế của Bắc Kinh tại đây được chia thành 3 phần: các luồng trao đổi thương mại, các nguồn vốn theo con đường FDI, và điểm mới là việc thành lập các trung tâm sản xuất.

Mexico, Trung Mỹ và lòng chảo Caribe, thêm vào Venezuela, Colombia và Ecuador có mức độ tập trung vốn và thương mại cao với Mỹ. Trong một trường hợp ngoại lệ, từ năm 2010 Trung Quốc đã trở thành đối tác quan trọng của El Salvador, chủ yếu là trong lĩnh vực linh kiện điện tử, mà từ năm 2010 tới 2019 giá trị xuất khẩu mặt hàng này từ quốc gia Trung Mỹ này tới Trung Quốc đã tăng 20 lần, đồng thời giá trị xuất khẩu của El Salvador tới Trung Quốc tương đương 20% giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị điện của cả tiểu khu vực này tới quốc gia đông dân nhất thế giới.

[EU trong cuộc tranh giành Mỹ Latinh với Mỹ và Trung Quốc]

Đây là một ví dụ rõ ràng về việc mở rộng thông qua xuất khẩu nguồn vốn và các trung tâm sản xuất và thương mại.

El Salvador đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Kể từ đó, Mỹ đã phát động một chiến dịch bên trong El Salvador nhằm hạ uy tín của Trung Quốc. Bất chấp điều này, sự hiện diện của Trung Quốc tại El Salvador đã được củng cố từ tháng 7/2018 với việc thành lập một đặc khu kinh tế. Đặc khu này có diện tích tương đương 1/3 lãnh thổ El Salvador.

Thêm vào đó, hai bên cũng đang thảo luận việc nhượng lại quyền khai thác hải cảng “La Union,” mà Đại sứ quán Mỹ tại El Salvador mô tả như một kế hoạch thiết lập một căn cứ quân sự tại Trung Mỹ. Điều này gợi nhớ việc Washington từng viện dẫn việc các kỹ sư Cuba xây dựng sân bay Granada để bào chữa cho cuộc xâm lược đảo quốc Caribe nhỏ bé này vào tháng 10/1983.

Mặc khác, không chỉ tăng cường vai trò đối tác thương mại, Bắc Kinh còn trở thành một đối tác đầu tư quan trọng, đặc biệt là tại các nước như Ecuador hay Peru, nơi đầu tư Trung Quốc đạt tỷ lệ lần lượt là 25% và 22% tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp, trong khi tại Argentina tỷ lệ này là 9%, và tại Brasil là 6%.

Nam Mỹ là khu vực then chốt cho việc mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Mỹ, trong khi Caribe cách khá xa với vai trò này. FDI của Trung Quốc vào tiểu lục địa này tập trung chủ yếu vào năng lượng (53%), xét theo lĩnh vực, và vào Brasil (40%), xét theo quốc gia. Giờ đây, một trong những điểm quan trọng của thương chiến là quá trình dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch.

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh là một thách thức cho sự thống trị mà Washington đã duy trì tại đây trong suốt thế XX, với cả các cuộc xâm lược và các chính sách kinh tế từng đẩy tốc độ tăng trưởng của khu vực về các mức thấp nhất kể từ khi các con số kinh tế vĩ mô được thống kê vào thập kỷ 1940.

Trong bối cảnh đó, những cảm tình dành cho một tác nhân mới đang tìm kiếm năng lượng sạch và những khoản đầu tư lớn trong tay là một điều dễ hiểu.

Việc Trung Quốc đưa vào hoạt động một đặc khu chế xuất tại El Salvador là một điểm mới mẻ và việc Chính phủ El Salvador không quá chú tâm tới những lời đe dọa từ Washington là một dấu hiệu về một sự thay đổi thời đại.

Khi không còn mấy ai tin tưởng rằng Mỹ sẽ mang lại điều gì tốt đẹp cho Mỹ Latinh, với chủ nghĩa toàn Mỹ hay học thuyết Monroe về kinh tế đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, và nhiều người bi quan cũng hoài nghi rằng thế độc tôn của Trung Quốc, nếu họ đạt được điều đó, thì tất cả đều mong đợi rằng cuộc chiến thương mại hay sự cạnh tranh cân bằng hơn giữa hai cường quốc kinh tế này sẽ mở ra một không gian mới để các nền kinh tế Mỹ Latinh có thể phát triển mạnh mẽ hơn những gì đã diễn ra trong 30 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục