Trung Quốc công bố mục tiêu cải cách giáo dục

Đề cương cải cách, quy hoạch phát triển giáo dục Trung Quốc đặt mục tiêu đưa nước này thành nước mạnh về nguồn nhân lực vào năm 2020.
Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa công bố "Đề cương cải cách và quy hoạch phát triển giáo dục quốc gia trung và dài hạn năm 2010-2020" để trưng cầu ý kiến.

Văn bản này đề xuất mục tiêu chiến lược là xây dựng Trung Quốc thành một nước mạnh về nguồn nhân lực vào năm 2020.

Theo đề cương, đến năm 2020, Trung Quốc phổ cập giáo dục toàn diện, tỷ lệ phổ cập giáo dục cấp ba đạt 90%, tỷ lệ hưởng chế độ giáo dục đại học và cao đẳng đạt 40% và sẽ có 200 triệu người đạt trình độ văn hóa đại học.

Đây là đề cương quy hoạch giáo dục đầu tiên của Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, bản thảo này đã ra mắt công chúng sau 40 lần sửa đổi.

Phát biểu trong buổi họp báo do Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức ngày 28/2, Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân cho biết khác với các cuộc cải cách giáo dục trong hơn 20 năm qua, cuộc cải cách lần này đưa mục tiêu cải cách hệ thống đào tạo nhân tài lên vị trí hàng đầu, với sáu nhiệm vụ gồm bồi dưỡng nhân tài, chế độ thi tuyển, chế độ nhà trường, quy định mở trường, cải cách quản lý và tiến thêm một bước mở cửa giáo dục.

Ông nhấn mạnh mục đích căn bản của giáo dục là phải đào tạo được nhân tài phát triển toàn diện, sáng tạo đổi mới nhiều hơn.

Những năm gần đây, tại Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến phê bình về tình hình phát triển giáo dục, mô hình đào tạo và thi cử, như hiện tượng bài vở quá nặng, hay sự bất cân bằng trong phân phối tài nguyên giáo dục giữa thành thị và nông thôn, dẫn đến cục diện không cân bằng về giáo dục.

Bộ trưởng Viên Quý Nhân khẳng định: "Đẩy mạnh công bằng về giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục là công tác quan trọng về cải cách giáo dục trong 10 năm tới."

Ngoài ra, đề cương cũng yêu cầu chính quyền các cấp ưu tiên đảm bảo vốn đầu tư tài chính cho giáo dục, theo đó tới năm 2012, kinh phí giáo dục chi từ ngân sách nhà nước sẽ chiếm 4% GDP.

Mặt khác, đề cương cũng khuyến khích và hướng dẫn lực lượng xã hội tài trợ khuyến học và đầu tư mở trường. Bộ Giáo dục Trung Quốc sẽ thiết lập chế độ quản lý và chính sách đồng bộ mới, thích hợp với đặc điểm của nhà trường, từng bước xóa bỏ khuynh hướng quản lý hành chính hóa nhà trường.

Cụ thể, bộ khuyến khích thiết lập hội đồng hoặc ban quản trị trường đại học sao cho ngày càng có nhiều nhân sĩ tham gia tư vấn quyết sách nhà trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục