Trung Quốc đang cạn tiền để thực hiện giấc mộng siêu cường

Giống như một "kẻ giang hồ" vung vẩy khoe tập tiền 100 USD, Trung Quốc đã khoe khoang sự giàu có và sẵn sàng chi tiêu của mình, nhưng trên thực tế, Bắc Kinh không có nhiều tiền mặt như vậy.
Trung Quốc đang cạn tiền để thực hiện giấc mộng siêu cường ảnh 1Binh sỹ Trung Quốc trong một cuộc diễu hành quân sự ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Getty Images)

Trang mạng foreignpolicy.com đã đăng bài viết có tựa đề “Trung Quốc đang dần cạn tiền để thực hiện giấc mộng siêu cường,” nội dung như sau:

Nhìn một cách bao quát, cuộc tấn công trên tất cả các mặt trận của Trung Quốc tạo ra một ấn tượng về một cường quốc đang trỗi dậy.

Trung Quốc đồng thời phát động một cuộc giao tranh trên biên giới với Ấn Độ, quân sự hóa Biển Đông, trấn áp Hong Kong, gây sức ép với Đài Loan, đối đầu với Nhật Bản về các quần đảo tranh chấp và dập tắt trình trạng bất ổn trong nội bộ, trong khi chống lại sự bùng phát của đại dịch viêm hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19).

Đồng thời, Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD nhằm nỗ lực thống trị các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và chất bán dẫn tiên tiến.

[Mỹ đang 'sợ' những thách thức mới từ Trung Quốc?]

Và sau đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình trị giá lên tới 1.000 tỷ USD của Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho một thế giới mà Trung Quốc là trung tâm.

Dẫn dắt một siêu cường toàn cầu là một thương vụ đắt đỏ. Nước Mỹ nổi tiếng chi tiền nhiều hơn cho quốc phòng so với 10 quốc gia tiếp theo cộng lại, nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng quân đội Mỹ vẫn chưa được đầu tư và trang bị đầy đủ để đảm nhận vai trò siêu cường toàn cầu.

Và nếu theo đúng dự báo của các chuyên gia, nước Mỹ sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh nếu không đầu tư thêm vào nghiên cứu đại học, các công nghệ tiên tiến, viện trợ nước ngoài, ngoại giao, Liên hợp quốc, năng lượng sạch và tất nhiên là chuẩn bị để ứng phó với đại dịch. Đó chỉ là một vài trong số các ưu tiên về ngân sách cho vai trò siêu cường của Mỹ. Danh sách đầy đủ còn dài hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu như Mỹ - với một nền kinh tế lớn hơn khoảng 50% so với Trung Quốc và GDP bình quân đầu người cao hơn khoảng 6 lần - cũng không đủ khả năng để tiếp tục là một siêu cường toàn cầu - thì làm sao để Trung Quốc có thể đảm nhận một vai trò như vậy?

Trung Quốc đang cạn tiền để thực hiện giấc mộng siêu cường ảnh 2Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bỏ qua các thực tế rằng các đồng minh ngoại giao chủ chốt của Trung Quốc là Triều Tiên, Campuchia, Ethiopia, nước này bị vây quanh bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga và Ấn Độ, các công ty công nghệ được nhà nước bảo trợ của Trung Quốc hầu như không được tin tưởng ở bên ngoài nước này, và Bắc Kinh đã bị quy trách nhiệm rộng rãi về việc đã để cho đại dịch COVID-19 lan rộng ra khắp thế giới, vậy làm sao một quốc gia tự nhận là đang phát triển như Trung Quốc có thể tài trợ cho một cuộc cạnh tranh siêu cường với nước Mỹ?

Câu trả lời đơn giản là Trung Quốc không thể.

Thậm chí trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại từ tỷ lệ hai con số vào đầu những năm 2000 xuống còn 6,1% trong năm 2019 - đấy là tin tưởng vào các con số chính thức của Bắc Kinh.

Con số này rất đáng ngờ, không chỉ bởi vì người đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Ninh Cát Triết, cũng chính là người đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia, chịu trách nhiệm về tính toán GDP.

Mô hình độc lập do Viện nghiên cứu Brookings của Mỹ cho thấy Trung Quốc có lịch sử công bố tỷ lệ tăng trưởng GDP cao hơn trung bình khoảng 1,7% mỗi năm.

Doanh thu thuế chính thức của Trung Quốc đã xác nhận bức tranh này, chỉ tăng khoảng 3,8% trong năm 2019 so với 6,2% trong năm 2018 và 7,4% trong năm 2017.

Tuy nhiên, khi các phương tiện tài chính của Trung Quốc bị hạn chế hơn, chi tiêu của nước này vẫn tiếp tục theo các quỹ đạo hoang phí trước đây, tăng 8,1% trong năm 2019.

Kết quả là khoảng cách ngày càng lớn trong ngân sách của chính phủ Trung Quốc, với khoản thâm hụt ngân sách được báo cáo chính thức lên tới 4,9% trong năm 2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một con số chính xác về sự thâm hụt của chính phủ ở mức cao hơn 12% GDP. Và đây là kết quả trước khi COVID-19 bùng phát, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế được cho là vẫn diễn ra lành mạnh.

Rất khó có thể có được những con số chính xác của Trung Quốc, nhưng dường như chính phủ Trung Quốc đang thu hẹp các cam kết chi tiêu thậm chí cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Bạn khó có thể nhận biết điều đó từ các thông báo dự án vẫn đang rất sôi động, nhưng các cam kết tài trợ BRI của Trung Quốc đã thực sự giảm kể từ năm 2017. Và ngay cả những con số giảm này cũng chỉ là những hứa hẹn - chi tiêu thực tế của Trung Quốc cho BRI thậm chí còn ít ỏi hơn.

Các ngân hàng của Trung Quốc gần như biến mất khỏi việc tài trợ cho BRI, đẩy chính phủ thiếu tiền mặt phải một mình gánh vác. Trong khi đó, các dự án ở hầu hết khu vực châu Á đã bị gác lại, thu hẹp quy mô hay trì hoãn.

Những người phương Tây chỉ trích BRI có xu hướng diễn giải những vấn đề này theo thuật ngữ “nỗi sợ hãi mắc nợ” mà các dự án này gây ra ở những quốc gia tiếp nhận. Họ hiếm khi đề cập đến khoản nợ mà các dự án này đã gây ra ở chính Trung Quốc.

Vì vậy, khi các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin vào tháng 12 rằng Trung Quốc đang gây áp lực với Pakistan để buộc nước này tiếp tục công việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đang bị đình trệ, họ đã không đề cập đến việc Trung Quốc không sẵn sàng tài trợ cho việc xây dựng này.

Tương tự, Trung Quốc muốn xây dựng một cảng mới ở Myanmar, nhưng lại chần chừ trả tiền cho việc này. Trung Quốc ký kết Hiệp định Giao thông và Vận chuyển với Nepal năm 2015 nhưng vẫn chưa xây dựng một dặm đường bộ hay đường sắt nào ở quốc gia nằm trên dãy Himalaya này.

Đó cũng là câu chuyện tương tự ở châu Phi và Đông Âu: Trung Quốc tiếp tục thông báo về các đại dự án nhưng lại không sẵn sàng cung cấp đủ tiền để thực sự khởi công những dự án này.

Các vấn đề tài chính của Trung Quốc bộc lộ rõ ràng hơn - và ít được thừa nhận hơn - là về ngân sách quân sự. Các phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) cho thấy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể đã thực sự giảm trong năm 2020.

Do Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự ở một số khu vực biên giới, việc hạn chế chi tiêu có thể gây áp lực nghiêm trọng đối với ngân sách mua sắm.

Không một ai bên ngoài giới quốc phòng của Trung Quốc có thể biết được điều gì đang thực sự diễn ra, nhưng các bằng chứng gián tiếp cho thấy rất nhiều các chương trình vũ khí lớn của Trung Quốc đã bị đình trệ.

Ví dụ, Trung Quốc được cho là chỉ sản xuất khoảng 50 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20.

Chương trình J-20 dường như đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng, hạn chế sản xuất trong tương lai gần. Điều này so sánh với kho vũ khí của Mỹ bao gồm 195 máy bay chiến đấu F-22 và 134 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, và hàng năm tiếp tục sản xuất khoảng hơn 100 máy bay F-35, thậm chí ngay cả sau khi bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.

Tương tự, Trung Quốc từng có kế hoạch triển khai 6 nhóm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Mỹ vào năm 2035. Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh có từ thời Liên Xô, Trung Quốc hiện chỉ mới có một tàu sân bay chạy bằng động lực thông thường, và chiếc thứ hai đang được chế tạo.

Kế hoạch xây dựng 4 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đã bị trì hoãn vô thời hạn do “các thách thức kỹ thuật và chi phí cao.”

Trung Quốc nói rằng nước này sẽ phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để triển khai trên các tàu sân bay. Trong khi đó, các chiến đấu cơ tàng hình được tối ưu hóa F-35 của Mỹ đã được đưa vào huấn luyện để triển khai trong năm nay.

Xung đột với Ấn Độ bằng gậy gộc và đá trên cao nguyên Ladakh có thể diễn ra với giá rẻ, nhưng chuẩn bị đương đầu với Mỹ trên biển Tây Thái Bình Dương sẽ rất đắt đỏ. Nó dường như là một sự xa xỉ mà một Trung Quốc tăng trưởng chậm thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 sẽ không có đủ khả năng.

Giống như một "kẻ giang hồ" vung vẩy khoe tập tiền 100 USD, Trung Quốc đã khoe khoang sự giàu có và sẵn sàng chi tiêu của mình. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh không có nhiều tiền mặt như vậy.

Chứng kiến nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số về GDP và chi tiêu chính phủ của Trung Quốc, những người bên ngoài có thể tin rằng các nguồn tài chính của Trung Quốc là không có giới hạn.

Từng trực tiếp trải qua thời kỳ trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, những người trong cuộc cũng có thể tin tưởng như vậy. Nhưng không có ngân sách nào là không có đáy và Trung Quốc dường như đã chạm đến đáy khi bị đại dịch COVID-19 tấn công.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể ít nhất cứu vãn được thể diện bằng cách từ bỏ các mục tiêu GDP và đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 về sự khó khăn không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng qua đi, nước Mỹ vẫn là một siêu cường toàn cầu và Trung Quốc có thể buộc phải chấp nhận một tương lai ít tham vọng hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục