Trung Quốc đang hiến kế 'giải cứu con tin' EU khỏi Mỹ?

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang đưa ra những giải pháp thực tế cho EU, đồng thời khuyến khích EU độc lập về mặt ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trung Quốc đang hiến kế 'giải cứu con tin' EU khỏi Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc họp qua video với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/4 đã đưa ra bốn gợi ý về cách Trung Quốc và EU có thể hợp tác để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, đặc biệt là về việc hỗ trợ EU đóng một vai trò chính trong việc thúc đẩy thông tin liên lạc giữa EU, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời tìm kiếm các giải pháp xây dựng một khuôn khổ an ninh hiệu quả và bền vững của EU.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang đưa ra những giải pháp thực tế cho EU, đồng thời khuyến khích EU độc lập về mặt ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine; và thay vì gây áp lực buộc Trung Quốc tham gia trừng phạt Nga và bị Mỹ “giật dây,” EU nên tự kiểm soát vận mệnh của mình và hành động vì an ninh của mình.

Trong khi đưa ra các đề xuất giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của EU đối với một sự dàn xếp chính trị về vấn đề Ukraine và đang khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình theo cách riêng của mình. Trung Quốc sẽ giữ liên lạc với EU để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn.

[Trung Quốc và EU: Duy trì đối thoại trong thế giới nhiều biến động]

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine là do những căng thẳng an ninh khu vực ở châu Âu đã hình thành trong nhiều năm qua. Một giải pháp cơ bản là phải đáp ứng các mối quan ngại an ninh hợp pháp của tất cả các bên có liên quan.

Trung Quốc ủng hộ châu Âu, đặc biệt là EU, đóng vai trò chính và hỗ trợ châu Âu, Nga, Mỹ và NATO tổ chức đối thoại để đối mặt với những căng thẳng đã hình thành trong nhiều năm và tìm ra các giải pháp cho một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững ở châu Âu.

Trung Quốc đang hiến kế 'giải cứu con tin' EU khỏi Mỹ? ảnh 2Ông Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Tập Cận Bình cũng chỉ ra rằng Trung Quốc và EU cần cam kết giữ tình hình trong tầm kiểm soát, ngăn chặn khủng hoảng lan rộng và quan trọng nhất là giữ ổn định hệ thống, các quy tắc và nền tảng của nền kinh tế thế giới, để củng cố niềm tin của công chúng.

Vương Nghĩa Nguy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Các Vấn đề Quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng bốn đề xuất của ông Tập Cận Bình về cuộc khủng hoảng Ukraine là thực dụng và hợp lý, đồng thời có tính đến những cân nhắc lâu dài. Vì cuộc khủng hoảng đã diễn ra, nên mấu chốt không phải là đổ lỗi cho nhau mà là đưa ra các giải pháp thiết thực.

Theo Vương Nghĩa Nguy, những đề xuất của ông Tập Cận Bình đã nêu bật các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho Trung Quốc và EU để giúp xoa dịu tình hình dựa trên sự đồng thuận rằng cả Trung Quốc và EU kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông Vương Nghĩa Nguy cho rằng việc ngăn chặn một cuộc xung đột khu vực lan rộng cũng cho thấy rằng phương Tây không nên chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt mà còn phải cắt giảm thiệt hại của họ, đồng thời cảnh báo rằng quá nhiều lệnh trừng phạt có thể dẫn đến trì trệ kinh tế, lạm phát và thậm chí là một cuộc khủng hoảng nợ cho châu Âu.

Vài giờ trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc-EU hôm 1/4, các chuyên gia phân tích Trung Quốc cảnh báo rằng các mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU không thể “bị chi phối” bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, và châu Âu không nên bị Mỹ “giật dây” trong chính sách đối ngoại, vì điều này sẽ làm suy yếu chính những lợi ích riêng của EU, gây khó khăn cho việc đảm bảo phục hồi kinh tế và sinh kế của người dân, đồng thời đi ngược lại với mục tiêu theo đuổi độc lập chiến lược của châu Âu.

Thôi Hồng Kiến, Trưởng ban Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/4 rằng EU nên hiểu rõ việc đứng về phía phương Tây để trừng phạt Nga không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao của Trung Quốc.

Thôi Hồng Kiến nhận định: "EU hiện bị Mỹ ‘bắt cóc’ vì lý do an ninh, nhưng điều đó không phù hợp với sự độc lập chiến lược mà EU đã theo đuổi."

Ông nhấn mạnh rằng để tránh bị lôi kéo vào thế khó một lần nữa, EU phải tự kiểm soát vận mệnh của mình. Và việc phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc tạo cho EU một cơ hội để phát triển một cách cân bằng và toàn diện hơn về lâu dài.

Thôi Hồng Kiến cho rằng nếu EU thực hiện các biện pháp thương mại chống lại Trung Quốc, điều đó sẽ dẫn đến tác động tiêu cực lớn đến EU.

Ông nói: “Đặc biệt trong bối cảnh tác động của một lệnh cấm năng lượng với Nga, việc gây tổn hại đến hợp tác thương mại với Trung Quốc sẽ khiến châu Âu không đảm bảo được sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và sinh kế của người dân,” đồng thời nhấn mạnh rằng EU sẽ “rất thiếu khôn ngoan” khi làm điều đó.

Mở rộng hợp tác

Trong cuộc hội đàm ngày 1/4, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã diễn ra ngay sau đại dịch COVID-19 kéo dài và thế giới đang đạt được sự phục hồi “mong manh.”

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và EU, với tư cách là hai lực lượng lớn, các thị trường lớn và những nền văn minh lớn, cần tăng cường trao đổi thông tin về các mối quan hệ của họ và về các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển toàn cầu, đồng thời đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc bổ sung các yếu tố ổn định cho một thế giới đầy biến động.

Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng kể từ năm ngoái, các mối quan hệ Trung Quốc-EU đã đạt được tiến triển mới bất chấp những thách thức, và hợp tác Trung Quốc-EU đã đạt được nhiều kết quả mới bất chấp khó khăn.

Điều đó đã chứng minh rằng Trung Quốc và EU chia sẻ những lợi ích chung sâu rộng và một nền tảng hợp tác vững chắc, và chỉ có thông qua hợp tác và phối hợp, hai bên mới có thể giải quyết được các vấn đề và vượt qua những thách thức.

Năm ngoái đã chứng kiến những thách thức ngày càng tăng trong quan hệ Trung Quốc-EU, đặc biệt là sau khi Hiệp định Toàn diện về Đầu tư Trung Quốc-EU bị đình trệ do Nghị viện châu Âu đơn phương đóng băng vào tháng 5/2021.

Tuy nhiên, các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên vẫn vững mạnh và tiếp tục được mở rộng.

Trong hai tháng đầu năm 2022, EU đã vượt qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với thương mại giữa Trung Quốc và EU tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 137,16 tỷ USD.

Chuyên gia Thôi Hồng Kiến nhận định: “Trung Quốc và EU có thể hợp tác cùng nhau trong việc đối phó với một số tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine hoặc nền kinh tế toàn cầu bằng cách thiết lập các cơ chế hợp tác thực dụng, điều này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các mối quan hệ Trung Quốc-EU.”

Các chuyên gia phân tích cho rằng về cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc và EU, với tư cách là hai thế lực lớn, có thể tăng cường hợp tác thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, giữa Nga và Mỹ, đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine cũng như thăm dò hợp tác kinh tế để đạt được sự ổn định kinh tế thế giới.

Theo chuyên gia Vương Nghĩa Nguy, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc và EU nên đóng vai trò là hai lực lượng lớn, và bù đắp những bất ổn trong bối cảnh quốc tế này bằng sự ổn định của mối quan hệ Trung Quốc-EU.

Vương Nghĩa Nguy nhấn mạnh rằng các mối quan hệ Trung Quốc-EU ổn định có nghĩa là quan hệ của họ không chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, các vấn đề nhân quyền hoặc bởi một số quốc gia như Litva./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục