Trung Quốc đổ ra biển 2,4 triệu tấn rác thải mỗi năm

Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm với khoảng 2,4 triệu tấn, chiếm 30% tổng lượng toàn cầu, tiếp đó là Indonesia, Philippines....
Trung Quốc đổ ra biển 2,4 triệu tấn rác thải mỗi năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ZUMA Press)

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong nghiên cứu toàn cầu đầu tiên đánh giá về nạn rác thải nhựa được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 12/2, các nhà khoa học cảnh báo lượng rác thải nhựa chìm nổi trên các đại dương trên thế giới có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2020, đủ lớn để phủ kín mọi đường biển trên Trái Đất.

Nghiên cứu trên được thực hiện dựa vào số liệu khảo sát từ 192 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2010, trong đó bao gồm dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) liên quan đến lượng rác do mỗi người thải ra ở tất cả các quốc gia ven biển, có dân số sống ven biển, lượng rác nhựa mà các nước thải ra và chất lượng quản lý rác thải của mỗi nước.

Theo đó, các nhà khoa học ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác thải là chất dẻo (vật liệu bao gói thức ăn, chai nhựa...) bị cuốn ra biển.

Trung Quốc đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm với khoảng 2,4 triệu tấn, chiếm 30% tổng lượng toàn cầu, tiếp đó là Indonesia, Philippines....

Mỹ là nước công nghiệp phát triển duy nhất nằm trong danh sách 20 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất, trong khi các nước ven biển thuộc Liên minh châu Âu (EU) đứng thứ 18 về tổng lượng rác nhựa thải ra biển.

Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của sinh vật biển như cá heo, hải cẩu, rùa...bởi chúng có thể làm sinh vật này bị mắc kẹt hoặc chết ngạt.

Hơn nữa, khi lượng rác thải loại này phân hủy thành những mảnh vụn nhỏ hơn 1mm chúng có thể gây hại cho các sinh vật khác khi ăn phải. Trong những năm gần đây, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo tình trạng sinh vật biển chết hàng loạt do ăn phải rác nhựa.

Hai tác giả của nghiên cứu trên - Tiến sĩ Jenna Jambeck thuộc Đại học Georgia (Mỹ) và Tiến sĩ Kara Lavender Law thuộc Hiệp hội Giáo dục Biển ở Mỹ, nhấn mạnh nghiên cứu của họ nhằm cảnh tỉnh nhân loại trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong đại dương.

Họ cho rằng các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển, cần có sự đầu tư thích đáng vào hạ tầng quản lý rác thải nhựa nói riêng và các loại chất thải khác nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục