Trung Quốc đối mặt với ‘cơn bão thất nghiệp’ do COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tại các địa phương của Trung Quốc lên đến mức cao nhất trong những năm gần đây.
Trung Quốc đối mặt với ‘cơn bão thất nghiệp’ do COVID-19 ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thương báo (Hong Kong), chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) lây lan khắp nơi trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái rất lớn.

COVID-19 khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tại các địa phương của Trung Quốc lên đến mức cao nhất trong những năm gần đây.

Các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc nhận định sự lan rộng toàn cầu của dịch bệnh sẽ có tác động khó lường đối với nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Trung Quốc nói riêng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng giới chức Trung Quốc gần đây liên tục đưa ra các biện pháp mở rộng việc làm, đồng thời đưa ra tín hiệu rằng vấn đề việc làm được ưu tiên hơn so với tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn mà vấn đề việc làm đem đến cho xã hội đã trở thành mối lo ngại cho giới thượng tầng Trung Quốc.

[Các công ty nước ngoài tại Trung Quốc thúc đẩy khôi phục hoạt động]

Phát biểu tại cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện tổ chức ngày 23/3, Phó Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Cao Cảo cho biết tác động của COVID-19 đối với việc làm "thực sự là chính xác."

Mặc dù công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trong nước của Trung Quốc đã đạt được kết quả tích cực nhưng tình hình lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới đã khiến nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro lớn về suy thoái kinh tế.

Ông Cao Cảo nhận định tác động của dịch bệnh đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Trung Quốc rất khó dự đoán chính xác. Ông nói: "Tình hình và nhiệm vụ ổn định việc làm chắc chắn rất gian nan và nặng nề."

Số liệu chính thức được công bố cho thấy trong hai tháng đầu năm 2020, tình hình việc làm của Trung Quốc rất ảm đạm. Trong tháng 2 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp qua số liệu khảo sát ở các thành thị trên cả nước Trung Quốc đã đạt mức cao mới trong những năm gần đây, lên 6,2%, tăng 1% so với tháng 12/2019, thời gian làm việc trung bình trong tuần của người lao động trong các doanh nghiệp trên toàn quốc là 40,2 giờ, giảm 6,5 giờ so với tháng 1/2020.

Từ tháng 1-2/2020, có 1,08 triệu việc làm mới tại các thành phố và thị trấn trên cả nước, ít hơn 660.000 việc làm so với cùng kỳ năm ngoái.

Giáo sư Tiền Quân Huy làm việc tại Học viện Kinh tế và Quản lý An Thái thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc, cho rằng kể từ khi công bố kết quả khảo sát về tỷ lệ thất nghiệp tại các thành phố và thị trấn trên toàn quốc hồi năm 2018 đến nay, tỷ lệ này luôn dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 5%, cao nhất là 5,3%, thấp nhất là 4,8%, cho đến tháng 2/2020 phá vỡ mức 6%.

Bi quan về tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn tăng cao hơn nữa, Giáo sư Tiền Quân Huy ước tính theo tiến triển của dịch bệnh ở bên ngoài và tiến độ phục hồi sản xuất ở trong nước (Trung Quốc) hiện nay, xác suất giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2020 vượt trên 10%.

Theo tính toán của định luật Okun trong kinh tế học vĩ mô - mối quan hệ giữa thất nghiệp và mức sụt giảm sản lượng của một quốc gia được đúc kết từ quan sát thực nghiệm - cuối quý 1/2020, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức khoảng 10%. Theo định luật Okun trong kinh tế học vĩ mô, tổng sản lượng kinh tế giảm 2%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng thêm 1%.

Chuyên gia Tiền Quân Huy cho biết mặc dù hầu hết các tỉnh đã hạ mức phản ứng khẩn cấp nhưng những người mắc kẹt ở tỉnh Hồ Bắc vẫn bị hạn chế di chuyển nghiêm ngặt.

Ngoài ra, mặc dù ngành dịch vụ đã dần phục hồi hoạt động trở lại nhưng cần phải giảm năng suất phục vụ để duy trì giãn cách xã hội, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm.

Sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu có nghĩa là hàng sản xuất tại Trung Quốc buộc phải giảm năng suất, gây ra cú sốc thứ hai đối với nền kinh tế và việc làm của Trung Quốc.

Vương Quân - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung Nguyên (Trung Quốc) - nhận định: "Vấn đề mà các doanh nghiệp hướng ngoại đối mặt là không có đơn đặt hàng... Các doanh nghiệp này lấy mô hình sản xuất và tập trung lao động là chính, một khi nhu cầu giảm, việc làm sẽ ngay lập tức trở thành vấn đề."

Ngoài một số lượng lớn lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ và công nghiệp sản xuất, sinh viên tốt nghiệp đại học trong mùa Hè này cũng sẽ trở thành sức ép đối với thị trường việc làm Trung Quốc.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc năm nay đạt 8,74 triệu sinh viên, lập kỷ lục mới. Sau khi COVID-19 bùng phát, mùa "vàng" tuyển dụng trong dịp mùa Xuân không thể triển khai, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã bị mất cơ hội tìm kiếm việc làm, việc thực tập của họ cũng bị gián đoạn.

Đứng trước tình hình khó khăn trong ổn định việc làm, Trung Quốc gần đây đã liên tục đưa ra các biện pháp như khuyến khích sinh viên đại học tạo việc làm thông qua khởi nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp mở rộng tuyển dụng và mở rộng quy mô tuyển sinh sau đại học.

Năm nay là năm then chốt để Trung Quốc xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện và hoàn thành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 13." Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, giới chức Trung Quốc tuyên bố ổn định thị trường việc làm là ưu tiên hàng đầu trong công tác kinh tế năm nay.

Tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện ngày 10/3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu dốc sức để ổn định việc làm, đồng thời nhấn mạnh rằng "miễn là việc làm được ổn định trong năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thấp một chút cũng sẽ không còn là vấn đề."

Ông Vương Quân giải thích: "Tín hiệu mà giới chức đưa ra là đứng trước khó khăn, thảm họa, cần phải có sự linh hoạt nhất định, chứ không phải theo quan điểm giáo điều để nhìn nhận về tăng trưởng theo con số... Nếu việc làm có thể duy trì ổn định, sẽ không có biến động lớn và mức tăng trưởng có cao hay thấp hơn một chút đều có thể chấp nhận được"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục