Trung Quốc đối mặt với thách thức về an ninh năng lượng

Sách Xanh năng lượng thế giới chỉ ra hiện nay và trong tương lai, Trung Quốc đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng.
Trung Quốc đối mặt với thách thức về an ninh năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Mining.com)

Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phối hợp với Nhà Xuất bản Văn hiến Khoa học xã hội ngày 16/6 đã công bố “Sách Xanh năng lượng thế giới: Báo cáo phát triển năng lượng thế giới (2014)” tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sách Xanh biểu thị bản đồ năng lượng thế giới cho thấy cục diện phức tạp, đa dạng hóa nguồn cung và cầu. Về khách quan, điều này có lợi cho việc hợp lý hóa giá năng lượng thế giới, từ đó giảm giá thành nhập khẩu và tiêu thụ năng lượng.

Sách Xanh cũng chỉ ra hiện nay và trong tương lai, Trung Quốc đối mặt với thách thức nghiêm trọng về an ninh năng lượng. Vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở mâu thuẫn nổi bật giữa cung ứng năng lượng và mô hình phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ở trong nước, thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP quá cao. Trong cơ cấu năng lượng, tỷ trọng nhiêu liệu hóa cũng rất cao, phương thức tiêu thụ năng lượng “carbon cao” trực tiếp gây ra ô nhiễm nặng, lãng phí cao, hiệu quả thấp. Năm 2013, diện tích ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng ở Trung Quốc lên tới 1,6 triệu km2, không khí của nhiều tỉnh, thành ở mức ô nhiễm nghiêm trọng.

Về mặt quốc tế, những thách thức đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc bao gồm nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc tập trung ở các khu vực thường có biến động như Trung Đông và châu Phi.

Ngoài ra, từ đầu năm 2014, Mỹ xác định bắt đầu từ năm 2017 sẽ xuất khẩu khí tự nhiên sang Nhật Bản. Tuy số lượng hạn chế nhưng điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường khí tự nhiên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong tương lai, đàm phán về khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, Trung Quốc có thể phải đối mặt với cục diện nghiêm trọng hơn.

Để có thể ứng phó với sự biến đổi cơ cấu năng lượng thế giới, Sách Xanh đề xuất về mặt đối ngoại, Trung Quốc cần phải tiếp tục tích cực thúc đẩy ngoại giao xung quanh, dựa vào bố cục chiến lược “một con đường một vành đai” (vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21) xây dựng trọng điểm năng lượng của Trung Quốc, từng bước tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Nga và các nước vùng biển Caspian.

Mặt khác, Trung Quốc cần nỗ lực nâng cao vị trí trên thị trường năng lượng thế giới, đồng thời tăng cường giám sát quản lý tài chính năng lượng, giảm thiểu những biến động giá dầu quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cần xây dựng mô hình phát triển kinh tế tiết kiệm năng lượng, lấy mở rộng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và kỹ thuật năng lượng sạch làm biện pháp đột phá, giải quyết mẫu thuẫn giữa phát triển kinh tế với năng lượng, môi trường của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục