Trung Quốc đóng cửa nhà máy nghi gây ngộ độc chì

Trung Quốc đóng cửa nhà máy luyện kim ở tỉnh Thiểm Tây, do nghi ngờ rác thải của nhà máy này gây ngộ độc chì cho ít nhất 300 trẻ em.
Trung Quốc đã đóng cửa một nhà máy luyện kim ở tỉnh Thiểm Tây, do nghi ngờ rác thải của nhà máy này gây ngộ độc chì cho ít nhất 300 trẻ em ở thị trấn Trường Thanh thuộc tỉnh này.

Sở Bảo vệ môi trường thành phố Bảo Kê (tỉnh Thiểm Tây) đã ra lệnh đóng cửa Nhà máy Đông Linh từ ngày 6/8, hai tuần sau khi xảy ra vụ ngộ độc chì đầu tiên ở một em bé 6 tuổi. Tuy nhiên, quyết định đóng cửa nhà máy này mới được công bố sáng nay, 12/8.

Tính đến ngày 11/8, các quan chức bảo vệ môi trường tỉnh Thiểm Tây đã thu thập được các mẫu nước ngầm, đất, không khí và rác thải tại 28 địa điểm gần Nhà máy Đông Linh (chuyên sản xuất chì và kẽm) ở thị trấn Trường Thanh, huyện Phụng Tường.

Sau khi nhập viện cuối tháng 7, bệnh nhi đầu tiên được chẩn đoán viêm dạ dày do nhiễm độc chì. Vụ việc đã gây hoang mang khiến nhiều người dân đưa con tới bệnh viện thử máu.

Tính tới ngày 9/8 đã phát hiện hơn 300 ca ngộ độc, với nồng độ chì trong máu lên tới 100 - 400mg/lít. Nhiều bệnh nhân cho biết họ sống cách khu công nghiệp Trường Thanh chỉ 200m.

Hàm lượng chì trong cơ thể nếu quá cao có thể gây hại cho các hệ thần kinh và sinh sản, đồng thời làm tăng huyết áp và gây thiếu máu. Trong trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân có thể bị co giật, hôn mê và thậm chí tử vong. Theo các bác sĩ, trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn và việc can thiệp y tế là cần thiết khi nồng độ chì trong máu vượt quá 250mg/lít.

Trong cuộc họp báo ngày 11/8, chính quyền huyện Phụng Tường cam kết đẩy nhanh việc tái định cư cho toàn bộ 425 hộ gia đình xung quanh khu vực nhiễm chì trong vòng 2 năm, điều trị miễn phí cho các bệnh nhi và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em trong vùng.

Nhà máy sản xuất chì và kẽm nói trên thuộc Tập đoàn Đông Linh - một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở tỉnh Thiểm Tây.

Nhà máy này bắt đầu hoạt động năm 2006, mỗi năm sản xuất 100.000 tấn chì và kẽm cùng 700.000 tấn than cốc. Thống kê năm ngoái cho thấy nhà máy này chiếm tới 17% GDP của toàn huyện Phụng Tường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục