Trung Quốc: Giá thép tăng không đồng nghĩa với triển vọng sáng

Giá thép và quặng sắt của Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên nhưng chuyên gia Reuters cho rằng sự khởi sắc này dường như không đồng nghĩa với một triển vọng sáng hơn đối với ngành thép.
Trung Quốc: Giá thép tăng không đồng nghĩa với triển vọng sáng ảnh 1Dây chuyền sản xuất thép tại một nhà máy ở Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá thép và quặng sắt của Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên vì các biện pháp hạn chế sản lượng trong mùa Đông, nhưng chuyên gia Russell của hãng tin Reuters cho rằng sự khởi sắc này dường như không đồng nghĩa với một triển vọng sáng hơn đối với ngành thép.

Giá cốt thép đã khởi sắc trong thời gian gần đây đúng như nhiều quan điểm trước đó cho rằng các biện pháp hạn chế sản lượng sẽ giới hạn nguồn cung, trong khi nhu cầu sẽ vẫn ở mức khá mạnh.

Tất nhiên, vẫn có những dấu hiệu sớm cho thấy việc hạn chế sản lượng bắt đầu phát huy tác dụng, khi sản lượng thép đã giảm từ mức cao kỷ lục 82,55 triệu tấn trong tháng 10 xuống 77,62 triệu tấn trong tháng 11, mức thấp nhất trong bảy tháng.

Sản lượng thép tháng 12 có thể sẽ vào khoảng 66 triệu tấn, nếu dự đoán tổng sản lượng năm 2018 mà Viện nghiên cứu và quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc đưa ra là chính xác.

[Ống thép hàn của Trung Quốc, Ấn Độ đối mặt với các mức thuế mới tại Mỹ]

Cơ quan này dự đoán sản lượng thép thô của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 923 triệu tấn trong năm nay, trong đó sản lượng trong các tháng 1-11/2018 đã lên đến 857,4 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Dù khởi sắc trong thời gian gần đây nhưng giá thép vẫn thấp hơn chừng 14% so với mức giá cao nhất trong năm nay được ghi nhận cuối tháng Tám, trong khi số liệu kinh tế đã bắt đầu phát đi những tín hiệu đáng lo ngại về nhu cầu thép từ những ngành cần nhiều nguyên liệu này như xây dựng và sản xuất ôtô.

Một loạt những số liệu của Trung Quốc được công bố trong tuần trước cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “vật lộn” để duy trì đà tăng trưởng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với chính quyền Mỹ gia tăng.

Tình hình kinh tế hiện tại như vậy khó có thể thúc đẩy nhu cầu thép tăng lên trong năm 2019, có nghĩa là những lạc quan đối với ngành này hiện đang dựa trên những kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện những biện pháp kích thích nền kinh tế, trong đó có những biện pháp tập trung vào cơ sở hạ tầng và xây dựng, vốn là hai ngành được xem là động lực chính thúc đẩy nhu cầu thép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục