Trung Quốc giảm bớt tham vọng với Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'?

Hội nghị trực tuyến cấp cao châu Á-Thái Bình Dương về Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường mà Trung Quốc tổ chức ngày 23/6 đã hướng đến thúc đẩy các gắn kết khu vực thay vì phạm vi toàn cầu.
Trung Quốc giảm bớt tham vọng với Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'? ảnh 1 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: fmprc.gov.cn)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin, theo tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 23/6, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì hội nghị trực tuyến về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), với tên gọi chính thức là Hội nghị Cấp cao châu Á-Thái Bình Dương về Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế,” hội nghị có sự tham gia của “hơn 30 đại diện, trong đó có ngoại trưởng hoặc bộ trưởng kinh tế của các quốc gia có liên quan tại châu Á-Thái Bình Dương cùng đại diện Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Bài viết trên The Diplomat nhận định, “khách mời” đáng chú ý lần này là đại diện của Myanmar, phản ánh xu hướng tiếp tục thừa nhận giới tướng lĩnh tiến hành cuộc đảo chính ngày 1/2 là nhân tố ngoại giao hợp pháp.

Chủ tịch Tập Cận Bình không tham dự hội nghị mà chỉ gửi một văn bản phát biểu.

Phát biểu tại sự kiện, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng kể từ khi được Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất xây dựng vào năm 2013, với nỗ lực chung của các bên, BRI đã cho thấy sức sống mạnh mẽ và đạt được những tiến bộ tích cực.

Ông khẳng định trong 8 năm qua, BRI đã đi từ lý luận đến thực tiễn, từ ý tưởng thành hiện thực, mang lại cơ hội và lợi ích to lớn cho các quốc gia trên thế giới, đồng thời trở thành nền tảng hợp tác quốc tế lớn nhất trên thế giới.

Trong năm 2020, bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19, hợp tác trong khuôn khổ BRI không những không bị đình trệ mà còn phát triển mạnh mẽ.

Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước chung tay nỗ lực, tiếp tục cùng nhau xây dựng BRI chất lượng cao; củng cố quan hệ đối tác hợp tác về y tế, kết nối, phát triển xanh trên tinh thần cởi mở và bao trùm; đồng thời hướng đến chia sẻ ngày càng nhiều cơ hội cho các bên.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Trung Quốc đã đưa ra 4 đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nữa về sản xuất và phân bổ vaccine. Theo giới chức Trung Quốc, quốc gia này sẽ tích cực triển khai các biện pháp quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu tại Rome hồi cuối tháng Năm, nỗ lực hết sức để cung cấp ngày càng nhiều vaccine và vật tư chống dịch cho các nước, nhất là các đối tác BRI, đồng thời ủng hộ việc miễn quyền sở hữu trí tuệ sản xuất vaccine COVID-19 để hỗ trợ các nước chiến thắng dịch bệnh.

Về đề xuất này, The Diplomat cho biết ngay tại hội nghị, các bên đã khởi động 2 sáng kiến mới trên tinh thần BRI.

Một trong số đó là sáng kiến “Đối tác Vành đai và Con đường về Hợp tác Vaccine COVID-19,” tìm cách “tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận và khả năng mua sắm vaccine trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.”

Nội dung chi tiết hơn của sáng kiến, chỉ có bằng tiếng Trung Quốc, đặc biệt kêu gọi các thành viên BRI tập trung vào việc tăng cường truyền thông về các quy trình cấp phép vaccine để đảm bảo các tiêu chuẩn phối hợp an toàn và hiệu quả.

[G7 dự kiến công bố sáng kiến làm 'đối trọng' với BRI của Trung Quốc]

Sáng kiến cũng kêu gọi hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ vaccine, khuyến khích chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất vaccine chung ở các nước đang phát triển.

Hội nghị cũng kêu gọi các nước sản xuất vaccine (gồm Trung Quốc, và cả Ấn Độ, Nga, Anh, Mỹ và một số quốc gia khác) cung cấp nhiều hơn cho sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và quyên góp hoặc xuất khẩu vaccine trực tiếp đến các quốc gia đang phát triển.

Điều đáng nói là các quốc gia này đều nằm ngoài BRI và không trực tiếp tham dự cuộc gặp. Nga, cũng là thành viên BRI, nhưng cũng không tham dự.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường hợp tác kết nối, gắn kết hơn nữa kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của các bên, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các hành lang kinh tế, các khu hợp tác kinh tế thương mại. Đẩy nhanh việc xây dựng Con đường Tơ lụa kỹ thuật số, xây dựng mô hình kết nối thông minh mới hướng tới tương lai.

Thứ ba, tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển xanh. Trung Quốc cam kết cùng với các bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng xanh, tài chính xanh và xây dựng ngày càng nhiều các dự án thân thiện với môi trường với tiêu chuẩn cao và chất lượng cao.

Đây là sáng kiến đáng lưu ý thứ hai mà The Diplomat đề cập.

Bài viết trên The Diplomat dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định sự hợp tác này sẽ thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại khu vực và toàn cầu, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sớm có hiệu lực, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực, cùng nhau bảo vệ sự cởi mở, an toàn và ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tư cách là khu vực hợp tác phát triển nhanh nhất, tiềm năng nhất và tích cực nhất trên thế giới, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế trên toàn cầu.

Khu vực nên trở thành trung tâm và hình mẫu cho hợp tác phát triển chứ không phải trở thành một bàn cờ địa chính trị. Ông nhấn mạnh sự ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đáng để các nước trong khu vực cùng trân trọng.

Trong năm 2017 và 2019, Trung Quốc cũng đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về BRI. Nhìn lại thời gian tiến hành 2 hội nghị trước, The Diplomat cho rằng dù có dịch COVID-19 hay không, hội nghị cấp cao BRI cũng vẫn sẽ diễn ra trong năm nay.

Điều đáng chú ý là hội nghị lần này dường như được hướng đến thúc đẩy các gắn kết khu vực thay vì phạm vi toàn cầu (dù danh sách các bên tham dự phần nào đã vượt ra ngoài chủ đề “châu Á-Thái Bình Dương” được nêu trong tiêu đề chính thức, mở rộng ra cả các nước vùng Trung Đông cho đến bờ biển phía Tây Nam Mỹ).

Liệu đó có phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã giảm bớt tham vọng đối với BRI, phản ánh những quan tâm đã phần nào phai nhạt hơn của các bên khác trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang, hay chỉ đơn giản nhận thức của những người tổ chức hội nghị thượng đỉnh về thực tế bối cảnh dịch bệnh hiện nay?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục