Trung Quốc hạn chế dùng xe công bằng thiết bị GPS

Từ tháng Sáu tới, Trung Quốc sẽ tiến hành áp dụng những biện pháp hạn chế việc sử dụng xe công bằng thiết bị định vị toàn cầu.
Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) trở thành chính quyền địa phương đầu tiên ở nước này áp dụng những biện pháp hạn chế việc sử dụng xe công bằng thiết bị GPS.

Kể từ tháng Sáu tới, các xe công của Quảng Châu sẽ được gắn thiết bị GPS (định vị toàn cầu) để kiểm tra xem liệu các xe công này có bị sử dụng không thích hợp vào những mục đích cá nhân hay không.

Một hệ thống giám sát 24/24 cũng sẽ sớm đi vào hoạt động.

Trong trường hợp xe công bị sử dụng vào mục đích cá nhân ở các dịp cuối tuần, người dùng sẽ phải trả phí 1,5 Nhân dân tệ (tương đương 0,23 USD) cho mỗi km.

Cuối năm ngoái, tờ Nhật báo Quảng Châu cho biết thành phố này có khoảng 200.000 xe công, chiếm khoảng 10% tổng số ôtô lưu thông ở Quảng Châu. Với những biện pháp mới, chính quyền Quảng Châu hy vọng sẽ tăng cường, quản lý chặt chẽ được xe công.

Năm 2010, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nhận định việc chi tiêu, mua sắm xe công sẽ được tập trung chú ý trong các chiến dịch chống tham nhũng năm nay ở nước này. Tuy nhiên, đang nổ ra tranh luận mạnh mẽ trên cộng đồng mạng Trung Quốc về biện pháp của Quảng Châu.

Nhiều công dân mạng cho rằng đã là xe công thì không thể sử dụng vào mục đích cá nhân, bất kể người dùng trả phí hay không. Bên cạnh đó, mức phí 1,5 Nhân dân tệ/km cũng bị cho là “quá rẻ” so với taxi. Giá taxi trung bình ở Quảng Châu là 7 Nhân dân tệ cho 2,3km đầu tiên, sau đó mỗi km có phí là 2,6 Nhân dân tệ.

Vấn đề xe công cũng là một trong những đề tài thảo luận sôi nổi tại các cuộc họp Hội đồng nhân dân và Hội nghị Chính trị hiệp thương (CPPCC) thành phố Quảng Châu trong năm nay.

Một đại biểu CPPCC thành phố này nêu ý kiến các xe công cần được gắn biển nêu rõ thuộc cơ quan, tổ chức nào đồng thời có cả số điện thoại các cơ quan giám sát sử dụng xe công để người dân có thể nhanh chóng phản ánh khi bắt gặp trường hợp vi phạm.

Nhiều công dân mạng Trung Quốc tán thành sáng kiến trên. Họ cho rằng kể cả áp dụng công nghệ hiện đại như GPS cũng khó có thể giám sát hiệu quả mọi sử dụng xe công. Chỉ có sự giám sát diện rộng của dư luận mới có thể giải quyết được tình trạng lãng phí này./.

Trung Sơn/Hong Kong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục