Trung Quốc khẳng định duy trì đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ

Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nhưng cố gắng hết sức có thể để tránh làm tổn hại các doanh nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Quốc khẳng định duy trì đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ ảnh 1Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach ở California, Mỹ ngày 6/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Khôn ngày 23/8 tuyên bố nước này sẽ duy trì đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ, song nhấn mạnh sẽ cố gắng hết sức có thể để tránh làm tổn hại các doanh nghiệp tại Trung Quốc, bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Lưu Khôn nhận định cho đến thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế Trung Quốc còn ít, song ông quan ngại khả năng tác động đến việc làm và đời sống người dân.

Ông nhấn mạnh "Trung Quốc không muốn can dự vào một cuộc chiến tranh thương mại, song sẽ cương quyết đáp trả các biện pháp vô lý của Mỹ" để bảo vệ lợi ích của mình.

[Trung Quốc khiếu nại lên WTO quyết định tăng thuế của Mỹ]

Ông cho rằng nếu căng thẳng thương mại kéo dài, các doanh nghiệp, việc làm, xuất khẩu và sản xuất đều sẽ bị tác động.

Ông Lưu Khôn nêu rõ Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu hỗ trợ người lao động và những người thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại.

Ông dự báo việc ban hành trái phiếu của chính quyền địa phương để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm nay sẽ vượt mức 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 145,48 tỷ USD) vào cuối quý 3.

Tuy nhiên, khoản chi tiêu này sẽ không vượt quá mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2018 là 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cũng lạc quan cho rằng nguồn thu của chính phủ nước này trong năm nay sẽ vượt mức dự báo.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các quan chức thương mại Trung Quốc và Mỹ kết thúc vòng đàm phán mới về thương mại trong từ ngày 22-23/8.

Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ đầu tháng 6 nhằm tìm lối thoát cho căng thẳng thương mại giữa hai nước, tuy nhiên cuộc gặp không đạt đột phá nào, trong bối cảnh hai nước áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới.

Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến Mỹ hướng sang tìm kiếm các cơ sở sản xuất ở các nước khác, trong đó có Malaysia.

Theo ông, Malaysia cũng như các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải có sự chuẩn bị để xử lý các tác động tiêu cực, cũng như thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục