Trung Quốc 'lạc điệu' trong tài trợ các dự án nhiệt điện tại châu Phi

Việc bơm tiền vào nhiệt điện than chỉ nhấn mạnh sự cô lập ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tài trợ các nhà máy - vốn đang bị quy kết tạo ra một lượng lớn khí nhà kính và các chất ô nhiễm này.
Trung Quốc 'lạc điệu' trong tài trợ các dự án nhiệt điện tại châu Phi ảnh 1Tổ hợp nhiệt điện than khổng lồ Sengwa của Zimbabwe đã nhận được tài trợ 4,2 tỷ USD từ Trung Quốc. (Nguồn: venturesafrica.com)

Theo bài viết đăng trên Bloomberg, trong hơn hai thập kỷ, Zimbabwe đã cố gắng tạo đột phá đối với tổ hợp nhiệt điện than khổng lồ Sengwa và nguồn cung nhân tạo lớn nhất thế giới.

Mới đây, Trung Quốc đã chấp thuận tài trợ dự án trị giá 4,2 tỷ USD này.

Sự phát triển của dự án ở gần bờ phía Nam của Hồ Kariba là tin tốt cho Zimbabwe, bởi nền kinh tế đang sụp đổ và các chính sách thất thường của nước này đã cản trở đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, điều đó diễn ra trong bối cảnh toàn cầu có sự đồng thuận ngày càng tăng từ các tổ chức tài chính của Nhật Bản, Mỹ và châu Âu về việc tránh đầu tư vào các dự án nhiệt điện.

Sự rút lui này mở đường cho các công ty Trung Quốc - trong đó nhiều công ty có sự ủng hộ của nhà nước, bất chấp nguy cơ làm suy yếu các cam kết quốc tế của cường quốc này về chống biến đổi khí hậu.

[Lý giải nguyên nhân các cường quốc "để mắt" tới châu Phi]

Chủ tịch Caleb Dengu của RioZim Energy - chủ đầu tư dự án nhiệt điện của Zimbabwe - thể hiện sự hài lòng về việc dự án đang được triển khai, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng lớn trên thế giới buộc phải ngừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than.

Ông Dengu khẳng định đây là bằng chứng về cam kết của Trung Quốc đối với các dự án phát triển ở châu Phi và người Trung Quốc rất quan tâm đến việc chung tay hỗ trợ.

Phản ứng trên toàn cầu đang ngày một tăng đối với cách thức Bắc Kinh xử lý sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán của nước này.

Tuy nhiên, việc bơm tiền vào nhiệt điện than chỉ nhấn mạnh sự cô lập ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc tài trợ các nhà máy - vốn đang bị quy kết tạo ra một lượng lớn khí nhà kính và các chất ô nhiễm này.

Giám đốc Tracey Davies của Just Share (tổ chức có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi chuyên về đầu tư và hoạt động cổ đông không lợi nhuận trên lĩnh vực năng lượng) cho biết đối với các thể chế tài chính, “rủi ro uy tín ngày càng tăng của việc tài trợ cho một dự án nhiệt điện than và khả năng cao dự án đó sẽ trở thành một tài sản bị mắc kẹt, khiến các tổ chức này rất cảnh giác khi tham gia."

Trên thực tế, năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ phủ xanh kế hoạch xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở nước ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển thân thiện với môi trường phù hợp với các mục tiêu của Liên hợp quốc.

Năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng BRI phải xanh và mang tính bền vững.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Greenpeace, các công ty và ngân hàng Trung Quốc đang tham gia tài trợ cho ít nhất 13 dự án than trên khắp châu Phi và đang xem xét thêm 9 dự án khác.

Theo Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu của Đại học Boston (Mỹ), từ năm 2000, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp tài chính trị giá 51,8 tỷ USD cho các dự án than trên toàn cầu.

Theo Jesse Burton, cộng tác viên cao cấp tại E3G - nhóm chuyên gia về biến đổi khí hậu ở London, trên toàn châu Phi (trừ Nam Phi), các dự án nhiệt điện than với công suất khoảng 20.000 MW hiện đang được xem xét, hầu hết trong số đó là của các công ty Trung Quốc.

Mức công suất này gần như tương đương với một nửa công suất điện của Nam Phi, nền kinh tế công nghiệp hóa nhất lục địa.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) - cơ quan nghiên cứu độc lập, cho biết rằng bất chấp những cam kết sẽ chuyển hướng sang hỗ trợ cho năng lượng xanh và có hàm lượng carbon thấp, các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục tài trợ cho các dự án nhiệt điện than.

Theo bà Myllyvirta, Trung Quốc có các công ty kỹ thuật và sản xuất nhiệt điện khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước và những tập đoàn này dựa vào các thỏa thuận ở nước ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh.

Chủ tịch Tập Cận Bình thường xuyên đề cập đến cam kết của Trung Quốc đối với chủ nghĩa đa phương thông qua việc chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn Trung Quốc là một bên ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Trung Quốc không có khả năng thoái vốn khỏi ngành than.

Mặc dù đầu tư rất lớn vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn khai thác và tiêu thụ khoảng một nửa lượng than thế giới. Trung Quốc chắc chắn đã đạt được tiến bộ trong nước.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên hợp quốc tại New York vào tháng 9/2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết đến năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 bằng việc khuyến khích tăng cường sử dụng nhiên liệu không hóa thạch, tăng diện tích rừng cùng với doanh số khoảng 1,25 triệu xe điện.

Tuy nhiên, hiện nay, khi đang tìm cách thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã bắt đầu thỏa hiệp các hạn chế về ô nhiễm công nghiệp và cắt giảm nhiều hơn trợ cấp cho năng lượng sạch.

Phát biểu tại một diễn đàn về BRI bền vững vào tháng 10/2019 ở Bắc Kinh, Yu Zirong, Phó Giám đốc Học viện Ngoại thương và hợp tác quốc tế Trung Quốc (CAITEC) - Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng không nên có cách tiếp cận áp dụng một biện pháp chung cho tất cả các quốc gia, bởi quyết định cần dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước chủ nhà.

Yu Zirong nhận định: “Đối với các nước có nguồn tài nguyên than phong phú, không thể cấm hoàn toàn họ sử dụng than. Chìa khóa là cách sử dụng than hợp lý hơn.”

Thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc là một chiến thắng hiếm hoi đối với Zimbabwe - đất nước hiện đang phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện kéo dài tới 18 giờ một ngày do không sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu và thiếu khả năng tài chính để trả cho nhập khẩu năng lượng.

Ban đầu, Công ty khai thác than Rio Tinto có trụ sở tại London (từng là công ty mẹ của RioZim Ltd) sở hữu dự án này - nay dự án thuộc sở hữu của công ty Riozim Energy. Chủ đầu tư ban đầu bị gạt sang một bên khi mối quan hệ Zimbabwe với Anh xấu đi.

Theo ông Dengu, Chủ tịch của Riozim Energy, sau khi dự án được hồi sinh vào năm 2016, General Electric Co. và một chi nhánh của Blackstone Group LP đã không tiếp tục theo đuổi các yêu cầu ban đầu.

Tập đoàn xây dựng điện lực của Trung Quốc (PowerChina) đã ký hợp đồng xây dựng giai đoạn đầu tiên của tổ hợp nhiệt điện than Sengwa, bao gồm nhà máy sản xuất điện có công suất 700 megawatt (MW), cũng như một đường ống dẫn nước từ Đập Kariba đến nhà máy và các đường dây tải điện với tổng chi phí 1,2 tỷ USD.

Theo ông Dengu, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) có thể tài trợ nhà máy, trong khi Tập đoàn Bảo hiểm xuất khẩu và tín dụng Trung Quốc (Sinenses) có thể cung cấp bảo hiểm rủi ro quốc gia cần thiết. Cả hai thực thể trên đều thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhóm tác giả bài viết không tìm hiểu được thêm các thông tin chi tiết về dự án Sengwa, trong đó có tác động khí hậu, từ ICBC, Sinenses và PowerChina dù đã đề nghị nhiều lần.

Tháng 4/2020 vừa qua, thỏa thuận đã được ký kết đối với phần còn lại của tổ hợp dự án Sengwa với trị giá khoảng 3 tỷ USD và công suất điện dự kiến đạt 2.100MW.

Chủ tịch Riozim Energy cho biết: “Người Trung Quốc đang nhìn thấy cơ hội kinh doanh này. Chúng tôi mang đến kiến thức thị trường và năng lực quản lý, phía Trung Quốc mang đến tài chính và công nghệ.”

RioZim Energy hầu như không có các lựa chọn khác. Các ngân hàng châu Âu không còn tài trợ cho các dự án than và năm 2019, do áp lực từ các cổ đông, các ngân hàng lớn nhất ở Nam Phi đã cam kết giảm tài trợ than.

Morgan Stanley và Citigroup Inc. cũng nằm trong số những thể chế sẽ hạn chế hoặc tạm dừng tài trợ cho các dự án liên quan đến than.

Trong số những dự án đang được các công ty Trung Quốc xem xét, dự án Sengwa của Zimbabwe khá lớn, nhưng đó không phải là dự án nhiệt điện lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi.

PowerChina đã ký một bản ghi nhớ thỏa thuận với chính quyền tỉnh Limpopo, Nam Phi để xây dựng một nhà máy nhiệt điện với công suất ít nhất là 3.000MW với chi phí 4,5 tỷ USD.

Về phía các cộng đồng dân cư địa phương, các dự án này còn gây nhiều tranh cãi.

Dự án Sengwa sẽ lấy nước từ Kariba, hồ chứa đã cạn kiệt do hạn hán tái diễn bởi biến đổi khí hậu đến mức các tuabin thủy điện tại đây chỉ hoạt động với một phần công suất.

Chính phủ Nam Phi đang phải đối mặt với một vụ kiện pháp lý vì các nhà máy nhiệt điện than tại nước này đang gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ.

Han Chen, nhà quản lý chương trình chính sách năng lượng quốc tế tại Hội đồng Quốc phòng các tài nguyên quốc gia có trụ sở tại New York, Mỹ cho rằng đó nhiệt điện than là ngành công nghiệp đang bị đào thải.

Vì vậy, Trung Quốc đang dịch chuyển đến những nơi có tiêu chuẩn môi trường thấp để có thể sử dụng nhiều thiết bị gây ô nhiễm hơn với giá rẻ hơn để vận hành.

Theo Han Chen, trong số 11 dự án nhiệt điện than ở châu Phi có khả năng nhận được hỗ trợ nước ngoài, 10 dự án liên quan đến các thực thể nhà nước Trung Quốc.

Trong khi các ngân hàng ở những quốc gia khác bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc không mặn mà với các dự án nhiệt điện than, các dự án đó sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Christine Shearer, Giám đốc Chương trình than tại Global Energy Monitor, cho biết các ngân hàng Trung Quốc sẽ ngày càng “lạc điệu” trong việc tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới, cả ở trong nước và trên toàn thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục