Trung Quốc làm thay đổi bức tranh địa chính trị châu Âu như thế nào?

Trong bài phát biểu tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tới năm 2050, Trung Quốc sẽ “trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu khi xét về nội lực và tầm ảnh hưởng."
Trung Quốc làm thay đổi bức tranh địa chính trị châu Âu như thế nào? ảnh 1(Nguồn: Asia Times)

Theo trang mạng atimes.com, trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Nhờ những thành quả kinh tế, Trung Quốc ngày càng có tiếng nói trên chính trường thế giới. Trung Quốc giờ đây tham vọng hơn, với mục tiêu không chỉ trở thành cường quốc khu vực mà còn trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2017 tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng tới năm 2050, Trung Quốc sẽ “trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu khi xét về nội lực và tầm ảnh hưởng trên thế giới."

Để hiện thực hóa chiến lược quy mô này, sự hiện diện của Trung Quốc đã được tạo lập thông qua các kênh kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới, và Trung Quốc cũng đã trở thành một nước “xuất khẩu” ảnh hưởng chính trị. Thông qua một số đại diện nổi bật nhất, Trung Quốc ngày càng thể hiện mình giống như một sự thay thế cho mô hình dân chủ phương Tây, khiến nhiều nhà phân tích phương Tây xem Trung Quốc là một cường quốc “xét lại."

Những quan điểm và lập trường của Trung Quốc có ảnh hưởng đối với nhiều chính phủ trên thế giới, song phần lớn những quốc gia này lại bị xem là “phi tự do,” như Ai Cập, Ethiopia, Pakistan, Philippines, Sudan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí, điều chưa từng có tiền lệ là nhiều quốc gia châu Âu như Cyprus, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Serbia cũng đang dần rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một số quốc gia trong các nhóm kể trên trở thành “thành trì” của Trung Quốc từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong khi số khác lại là một phần trong những kế hoạch của Trung Quốc, từ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) cho tới chiến lược tăng cường ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Âu, để đối trọng với sự phức tạp trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Trung Quốc cũng thành công trong việc tạo dựng một thực tế là tại nhiều quốc gia, từ Cộng hòa Séc cho tới Hy Lạp, giới chóp bu chính trị và truyền thông nói về Trung Quốc theo những cách chưa từng có trong suốt 20 năm qua. Một mắt xích không thể thiếu trong xu thế này là sự hợp tác mạnh mẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp Trung Quốc. Khách du lịch đổ tới Trung Quốc, trong khi người dân tìm đến những khóa học tiếng Hoa tại các trường học, các viện Khổng tử và trung tâm văn hóa.

Trong suốt 2 năm qua, giới chính sách và học giả đặc biệt chú ý tới những đề tài liên quan tới sự hung hăng và cương quyết trong lĩnh vực địa kinh tế của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về mối quan tâm của Trung Quốc trong các lĩnh vực như năng lượng, vận tải, cảng biển và hạ tầng hàng không, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ số, những yếu tố sẽ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong xã hội châu Âu.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Mỹ Rhodium Group, vào năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) tăng lên mức 36 tỷ euro (tương đương với 40 tỷ USD), trong khi con số này một năm trước mới chỉ là 20 tỷ euro. Các khoản đầu tư đa phần đều được hoan nghênh, và không thể phủ nhận quan hệ thương mại với châu Âu đều giúp hai bên thịnh vượng hơn.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc phụ thuộc vào xu thế khu vực. Tại Đông Âu, các nguồn tiền chủ yếu dồn vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, với mục tiêu củng cố các mối liên kết giữa lục địa già này với các dự án trong khuôn khổ BRI ở vùng Viễn đông.

Tại Nam Âu, người tiêu dùng Trung Quốc tham gia làn sóng tư hữu hóa trong và sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tại Bồ Đào Nha, người Trung Quốc có cổ phần tại nhiều cảng biển, hãng hàng không, hệ thống khách sạn và phần lớn công ty điện lực Energias de Portugal. Có thể nói, Trung Quốc đã hỗ trợ Bồ Đào Nha những khoản vốn rất có giá trị trong suốt cuộc khủng hoảng.

Sự chú ý mà Trung Quốc dành cho Đức chủ yếu liên quan tới các công ty công nghệ cao sở hữu các kiến thức chuyên môn mà quốc gia này cần để thúc đẩy chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025,” với mục tiêu đưa đất nước theo hướng tự chủ hơn về công nghiệp và công nghệ. Giới chức Đức đã không khỏi lo ngại về việc Trung Quốc mua gần 10% cổ phần của Daimler, chủ sở hữu Mercedes-Benz, hồi tháng 2 năm nay.

Trung Quốc cũng dùng sức mạnh tài chính để “mua” ảnh hưởng về chính trị. Tổng thống Séc Milos Zeman thậm chí còn muốn đất nước mình trở thành “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” của Trung Quốc tại châu Âu.

Câu hỏi đặt ra là cuối cùng điều Trung Quốc muốn là gì? Sẽ là sai lầm nếu cho rằng có một kế hoạch tổng thể và sâu xa nào đó đằng sau những hành động của Trung Quốc. Thực tế, không giống như Nga, Trung Quốc không có ý định phá hoại hay tìm cách đẩy EU tới chỗ sụp đổ. Trung Quốc thậm chí còn xem sự cởi mở và thịnh vượng của châu Âu là lợi thế của mình. Trung Quốc đúng là từng nghĩ rằng châu Âu có thể trở thành một đối tác của Bắc Kinh trong thế giới đa cực. Trung Quốc đã rất vui mừng khi trục Pháp-Đức tỏ ý chống đối và lên án cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu vào năm 2003, mà thực tế là điều này đã hủy hoại sự thống nhất của phương Tây.

[Bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada lựa chọn như thế nào?]

Trung Quốc tìm cách học hỏi từ chủ nghĩa tư bản châu Âu, nhất là mô hình xã hội-thị trường của Tây Bắc Âu. Tuy nhiên, sự hào hứng khi xem châu Âu là một đối tác ngang bằng không duy trì lâu. Ngày nay, giới lãnh đạo Trung Quốc lại thường tìm cách nói với các nhà ngoại giao và lãnh đạo châu Âu về sự thất bại của phương Tây.

Mục tiêu sâu xa, điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ, là đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường hiện đại và tân tiến mà không ai dám chống lại. Họ xem châu Âu là một khu vực giàu có và cách tân có thể giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu này.

Trong khi đó, Trung Quốc bị ám ảnh bởi Mỹ, xem đó như một thế lực cũ kỹ và thù địch có thể ngăn Trung Quốc đạt tới mục tiêu của mình. Từng coi EU là một đối tác đầy triển vọng, và thậm chí là một hình mẫu trong một số lĩnh vực nhất định, Trung Quốc giờ đây nhìn nhận châu Âu bằng ánh mắt ít tôn trọng hơn, và chỉ xem đó như một thị trường tiềm năng đầy cơ hội để họ có thể thâu tóm lợi ích phục vụ sự trỗi dậy của mình, vô hiệu hóa những cản lực về chính sách và ngăn phương Tây thành lập một mặt trận đối trọng với mình.

Bất chấp những tranh cãi ngày càng lớn ngay trong chính nội bộ về vị thế quốc tế của đất nước trong bối cảnh mâu thuẫn và đối đầu với Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng ông có đủ quyền lực để thực hiện những tham vọng to lớn. Điều này đã được ông khẳng định trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm Trung Quốc “cải cách và mở cửa” ngày 18/12 vừa qua: “Không ai có quyền chỉ bảo người dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì."

Trung Quốc ngày càng vươn lên trở thành một nhân tố toàn cầu với nhiều tham vọng vượt quá phạm vi địa kinh tế, vì vậy, phần còn lại của thế giới, bao gồm châu Âu và đặc biệt là Mỹ, cần nhận thức và đánh giá tình hình mới một cách toàn diện.

Trung Quốc xem mối quan hệ với Mỹ là mối quan hệ cạnh tranh, dù cuộc chiến thương mại dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng có thể dẫn đến một sự hòa giải Trung-Âu. Đó rõ ràng là thách thức của châu Âu, nơi có những quốc gia và thể chế mở cửa nhất trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục