Trung Quốc loay hoay với quà tặng Ngày Nhà giáo

"Ngày Nhà giáo" ở Trung Quốc giờ đây tạo ra một tình huống lúng túng với các bậc phụ huynh về chuyện quà cáp cho thầy cô.
Ngày 10/9 vừa qua là "Ngày Nhà giáo" tại Trung Quốc, một dịp để xã hội tôn vinh những người thầy, người cô cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng, "Ngày Nhà giáo" này giờ đây tạo ra một tình huống lúng túng với các bậc phụ huynh về chuyện… quà cáp cho thầy cô!

Thực tế, phụ huynh tỏ ra miễn cưỡng trong chuyện biếu xén song họ cũng lo ngại rằng nếu không làm vậy, con em mình sẽ bị "phân biệt đối xử". Chưa hết, tặng quà gì cũng làm phụ huynh đau đầu không ít.

Ngược lại, nhiều giáo viên cảm thấy bối rối khi ngày lễ của mình biến thành "Ngày tặng quà". Họ có thể nhận được ngày càng nhiều quà cáp song cảm thấy mất đi không ít sự tôn trọng thành thật từ học sinh và các bậc phụ huynh.

Hiện tượng xã hội này năm nay ở Trung Quốc thể hiện rất rõ khi một loạt các cửa hàng trên mạng cung cấp cả…"Cẩm năng tặng quà Ngày Nhà giáo", liệt kê những món quà thích hợp giúp phụ huynh không phải vắt óc suy nghĩ nữa. "Ngày Nhà giáo" đột nhiên trở thành dịp khuyến mãi cho không ít cửa hàng, cửa hiệu với chiêu bài này được gắn lên các hàng hóa từ điện thoại di động, máy tính, camera, ghế massage, bút bằng vàng cho đến cả đồ trang sức hay kim hoàn.

Một website chuyên bán quà tặng trên mạng Trung Quốc thậm chí còn mở chuyên mục riêng cho "Ngày Nhà giáo" với phạm vi phong phú. Đập vào mắt mọi người trên website này là một dây chuyền đá quý trị giá tới 78.000 Nhân dân tệ, được coi là "món quà đắt giá nhất cho "Ngày Nhà giáo", dù thống kê từ website cho thấy họ… chưa bán được dây chuyền nào trong năm nay.

Không cần tốn kém đến thế, nhiều phụ huynh "sáng tạo" hơn. Ông Tôn, có cô con gái đang ở tuổi trung học, hàng năm vào dịp này tặng các giáo viên những lá chè tươi hảo hạng. Thứ quà này không mang nhiều ý nghĩa vật chất mà lại mang ý nghĩa trang trọng. Nhiều phụ huynh khác thì tặng các món quà thực tế hơn như phiếu mua sắm hay thậm chí là các tour du lịch.

Một thống kê gần đây trên tờ "Nhật báo Trường Giang" cho thấy 78,95% số người được hỏi cho biết họ gửi thiếp hoặc tặng quà giáo viên của con cái trong dịp này. Có tới 20,24% bày tỏ lo ngại rằng nếu họ không tặng quà, giáo viên sẽ thờ ơ với con họ trong khi 2,83% cho rằng nhiều giáo viên tỏ ý "thích nhận quà" nên họ buộc phải làm vậy.

Một tin nhắn cũng đủ

Nhật báo Trường Giang cũng thăm dò nhiều giáo viên về vấn đề quà cáp "Ngày Nhà giáo". Đa số (64,78%) cho biết một tin nhắn điện thoại di động chúc mừng cũng đủ làm họ vui sướng. Phần lớn nói rằng họ sẽ từ chối nhận quà, nhất là các món quà mang tính vật chất hay tiền mặt vì họ cho rằng như vậy là sự xúc phạm đến lòng tự trọng và phẩm giá của nghề giáo. 21,46% tuyên bố sẽ nhận quà nếu giá trị không cao và chỉ 6,48% cho rằng "không vấn đề gì" khi quà là tiền mặt.

Gần đây, một giáo viên dạy trung học ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) viết trên blog rằng dù "Ngày Nhà giáo" đang đến gần, anh ta cảm thấy không có cảm giác đáng tự hào nào vì dịp này đã trở thành…"Ngày tặng quà". Câu chuyện trên nhanh chóng gây ra những cuộc thảo luận trên internet.

Theo giáo viên trên, "Ngày Nhà giáo" ra đời để thúc đẩy truyền thống "tôn sư trọng đạo". Nhưng ngày nay, phụ huynh chỉ nói về chuyện mua quà gì, giá bao nhiêu, liệu con cái có bị "trù dập" không nếu họ không tặng quà. "Ngày Nhà giáo" không chỉ đã mất đi ý nghĩa trong sáng ban đầu của nó mà còn khiến không ít giáo viên cảm thấy họ không nhận được sự tôn trọng từ dư luận./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục