Theo Đài TNHK, cảnh sát tỉnh Tứ Xuyên, miền Nam Trung Quốc, đã bắt giữ ít nhất hơn một chục giám đốc doanh nghiệp trong vòng 18 tháng qua trong khuôn khổ cuộc điều tra đang tiến hành về các giới chức chính phủ bị cáo buộc tham nhũng.
Giới phân tích nói các việc bắt giữ này là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhằm xóa sổ nạn tham ô ở một tỉnh bị tác động mạnh bởi một liên minh đầy tai tiếng giữa các cán bộ cấp cao và giới doanh nghiệp.
Nhưng nếu các giao dịch khả nghi giữa các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia là sự kiện tràn lan tại Trung Quốc, thì các nhà phân tích đặt câu hỏi tại sao Tứ Xuyên lại bị đặc biệt chiếu cố đến vậy. Một số nhà phân tích như giáo sư Willy Lam nói việc này mang động cơ chính trị.
Theo truyền thống Trung Quốc, có một liên hệ chặt chẽ giữa cuộc điều tra tham nhũng và việc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản, do đó những nhà lãnh đạo chiếm ưu thế dùng tham nhũng để làm cho những đối thủ chính trị bối rối, bị gạt ra ngoài lề hay ngay cả bị truy tố hình sự.
Cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, năm nay 70 tuổi đã về hưu, có mối quan hệ mật thiết với các chính trị gia Tứ Xuyên đang bị điều tra. Ông cũng có quan hệ với ngành dầu mỏ.
Theo tin tức của truyền thông Mỹ, ông Chu hiện đang bị quản thúc tại gia và cuộc điều tra tại Tứ Xuyên, cũng như những cuộc điều tra về các giám đốc trong lĩnh vực dầu hỏa, được coi là màn mở đầu cho việc ông này chính thức bị truy tố./.