Trung Quốc nêu đề xuất đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra 10 đề xuất mới nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng với ASEAN, trong đó có việc cùng đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Trung Quốc nêu đề xuất đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra 10 đề xuất mới nhằm tăng cường hợp tác sâu rộng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, diễn ra ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ông Vương Nghị cho biết trong khi xây dựng một cộng đồng chung gắn bó hơn với ASEAN và thúc đẩy khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN "2+7," Trung Quốc muốn đưa ra 10 đề xuất mới nhằm tăng cường hợp tác song phương.

Thứ nhất, hợp tác đầy đủ hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN vào năm tới, và coi 2016 là "Năm trao đổi giáo dục Trung Quốc-ASEAN."

Thứ hai, lập Kế hoạch hành động 2016-2020 nhằm thực thi Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ASEAN-Trung Quốc, nhấn mạnh tính hiện đại, toàn diện và triển vọng, đồng thời khai thác các lĩnh vực hợp tác mới.

Thứ ba, lập một nhóm làm việc để đàm phán và ký kết "Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện giữa Trung Quốc và các nước ASEAN" nhằm xác định quan hệ hữu nghị này bằng các công cụ pháp lý.

Thứ tư, phát động chiến dịch tăng năng lực sản xuất quốc tế và thực hiện phát triển kinh tế toàn diện của Trung Quốc và ASEAN cũng như sự thịnh vượng chung.

Thứ năm, Trung Quốc muốn tăng cường kết nối với ASEAN, sẵn sàng thảo luận để đi đến ký kết kế hoạch tổng thể về kết nối Trung Quốc-ASEAN nhằm liên kết các kế hoạch tương ứng của ASEAN với nhau.

Thứ sáu, Trung Quốc sẽ phối hợp với ASEAN để đảm bảo rằng "Năm Hợp tác biển Trung Quốc-ASEAN" sẽ thành công và đưa hợp tác hàng hải lên tầm cao mới.

Thứ bảy, hai bên cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của các tiểu vùng bằng cách thiết lập Cơ chế Đối thoại và Hợp tác sông Lan Thương-Mekong.

Cơ chế mới này cùng với các cơ chế hiện tại như hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, sẽ bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN và thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trong đề xuất thứ tám, Trung Quốc kêu gọi sớm ký nghị định thư về Hiệp định Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, cam kết phía Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc ký kết văn bản này.

Trong đề xuất tiếp theo, Trung Quốc hy vọng củng cố hợp tác quốc phòng và an ninh với ASEAN, hoan nghênh các Bộ trưởng 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN tham gia hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc-ASEAN, sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 10 tới tại Trung Quốc.

Cuối cùng, Trung Quốc cho rằng 2 bên nên cùng đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông thông qua giải quyết tranh chấp, duy trì hòa bình và thúc đẩy hợp tác nhằm tạo một kết quả cùng thắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục